Đam Rông: Tập trung cao độ giữ rừng trong thời điểm dịch bệnh

04:08, 06/08/2021

Tập trung chống dịch đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu ở các địa phương nói chung và Đam Rông nói riêng...

Tập trung chống dịch đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu ở các địa phương nói chung và Đam Rông nói riêng. Huyện Đam Rông xác định, chống dịch song vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội. Tập trung chống dịch, song không được để các đối tượng lợi dụng, tiến hành các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
 
Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện các vụ vi phạm về rừng và đất lâm nghiệp
Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện các vụ vi phạm về rừng và đất lâm nghiệp
 
Quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Đam Rông tập trung thực hiện. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hạt Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã tổ chức 94 đợt tuyên truyền các quy định của Luật Lâm nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với tổng số 3.833 lượt người tham dự; Tổ chức ký 145 bản cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng đối với các hộ dân sống, canh tác ven rừng. Tổng diện tích giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Đam Rông hiện nay là 39.064,8 ha. Theo thông tin từ UBND huyện, đến thời điểm hiện tại, các ban quản lý rừng đã chuẩn bị xong hiện trường để trồng rừng năm 2021 với diện tích 151,79 ha. Trong đó, trồng rừng thay thế là 55,9 ha; trồng rừng trên đất trống 24,6 ha; trồng rừng sau giải tỏa 47,9 ha; khôi phục rừng theo Đề án 1836 là 23,39 ha. Đối với việc trồng cây xanh, đến nay trên toàn huyện Đam Rông đã trồng được trên 123.180/335.000 cây kế hoạch năm 2021. Trong đó, trồng cây trên đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp khoảng 20.670 cây, tương đương 111,7 ha; trồng cây xanh (cây ăn quả) xen trên đất nông nghiệp đang canh tác cà phê trên 89.054 cây; trồng cây phân tán 13.456 cây.
 
Bước vào mùa khô 2020 - 2021, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong Nhân dân. Nhờ vậy mùa khô năm 2020 - 2021, Đam Rông không để xảy ra cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
 
Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho biết: “Đây là thời điểm khó khăn chung, song huyện Đam Rông vẫn tập trung chỉ đạo các địa phương và các đơn vị liên quan, nỗ lực với quyết tâm cao nhất để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng”. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã kiểm tra và phát hiện 54 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp (giảm 25 vụ so với cùng kỳ). Diện tích rừng bị thiệt hại 4,8 ha (giảm 10,75 ha so với cùng kỳ, tương đương giảm 69%), lâm sản thiệt hại 294,8 m 3 (giảm 105,6 m 3 so với cùng kỳ, tương đương 29,5%). Tuy các con số đã cho thấy những tín hiệu tích cực, song vẫn xảy ra các vụ mang tính chất nổi cộm. Lợi dụng thời điểm cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều đối tượng đã lợi dụng để phá rừng. Tuy nhiên, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của chính quyền sở tại đã góp phần quan trọng trong việc xác định được các đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại lô b, Khoảnh 1, Tiểu khu 206 xã Rô Men, đối tượng đã cưa 3 cây gỗ dổi nhóm III và 2 cây gỗ tạp nhóm VI, tổng khối lượng lâm sản thiệt hại 11,203 m3 gỗ tròn. Đối tượng vi phạm là ông Ndu Y Líc (21 tuổi), trú tại Thôn 2, xã Rô Men. Đối tượng sau khi bị phát hiện đã khai nhận hành vi phá rừng của mình.
 
Ghi nhận tại các xã trên địa bàn huyện Đam Rông, cho thấy, trước đây nhiều vụ việc phá rừng bị phát hiện nhưng không tìm được thủ phạm. Bởi vậy rừng vẫn mất mà đối tượng vi phạm lại không chịu sự xử lý của pháp luật. Điều này đã tạo tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật của nhiều đối tượng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm nạn phá rừng vẫn còn diễn ra. Bởi vậy, nhờ việc tăng cường công tác tuyên truyền, nắm vững các nguồn tin trong Nhân dân, lãnh đạo các xã và các đơn vị liên quan đã kịp thời phát hiện vụ việc và xác định được đối tượng vi phạm để xử lý đúng người, đúng tội. Ngoài các vụ phá rừng, về lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép xảy ra 9 vụ vi phạm (giảm 15 vụ so với cùng kỳ), tổng diện tích thiệt hại 2,55 ha. Đến thời điểm hiện tại, 53/54 vụ vi phạm đã được tiến hành xử lý. Các đơn vị chủ rừng cũng đã phối hợp với UBND các xã triển khai thực hiện 8 đợt giải tỏa với tổng diện tích 39,717 ha. 
 
Đối với vấn đề về rừng, Huyện ủy Đam Rông đã chỉ đạo các địa phương và các đơn vị liên quan: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên, khoáng sản; nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế rừng vừa đảm bảo duy trì độ che phủ rừng (65% trở lên) vừa tạo điều kiện để người dân có thể làm kinh tế hợp lý dưới tán rừng. Rà soát, quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả, hợp lý tài nguyên khoáng sản... 
 
NGỌC NGÀ