(LĐ online) - Lợi dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc mua thực phẩm khó khăn cũng như nhiều người trong địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính Phủ mà hành vi lừa gạt vẫn tiếp diễn, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều.
(LĐ online) - Lợi dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc mua thực phẩm khó khăn cũng như nhiều người trong địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính Phủ mà hành vi lừa gạt vẫn tiếp diễn, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều.
|
Những cảnh báo lừa đảo và đơn tố cáo của người bị hại liên quan đến trang facebook Hữu cơ Đà Lạt |
Dẫu đã có bài viết cảnh báo về tình trạng lừa đảo khi mua rau củ online thông qua trang facebook Hữu cơ Đà Lạt, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người tiêu dùng.
Trong đơn gửi đến Báo Lâm Đồng, chị Phạn Thị Hồng Hạnh (ngụ huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi biết Cao Thị Mỹ Linh thông qua group Facebook có tên Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt (Dalat fresh). Nhóm này do nick Hữu cơ Đà Lạt làm quản trị với khoảng 4.000 thành viên và thành lập được 2 năm, mỗi ngày đều cập nhật hàng hóa, phản hồi của khách hàng.
Khi thấy tôi hỏi mua hàng thì nick Hữu cơ Đà Lạt nhắn tin giới thiệu chào giá các mặt hàng rau. Sau khi biết khu vực tôi đang ở nằm trong vùng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cho nên Mỹ Linh báo sẽ cho nhân viên giao hàng giúp tận nơi, nhưng nhân viên thực hiện quy định 5K nên không tiếp xúc với khách, không nhận tiền thu hộ được. Chính vì thế, Mỹ Linh yêu cầu tôi chuyển khoản trước theo số tài khoản do mình làm chủ.
Trong quá trình thương lượng giá cả Mỹ Linh có gửi cho tôi xem giấy chứng nhận Sản phẩm Hữu cơ, sổ hộ khẩu đi kèm các mặt hàng, nguồn hàng, quy cách đóng gói rất tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Linh còn yêu cầu khách hàng phải chốt đơn trước 14 giờ chiều để đóng hàng lên xe cho kịp giao trước 7 giờ sáng hôm sau.
Cá nhân tôi có đặt thêm hàng do bạn bè, khách hàng ở Sài Gòn với tổng cộng 28 đơn giao tại quận Nhà Bè. Ngoài ra, chị ruột của chồng tôi đặt thêm đơn hàng để Linh giao cho người quen, khách xung ở Quận 7. Tổng số tiền chị em tôi chuyển cho Linh trong 2 ngày 30 và 31/7 là 15.590.000 đồng.
Tối 31/7, bạn tôi có gửi link Báo Lâm Đồng bài viết
Cảnh giác bị lừa khi mua hàng online, trong bài có nhắc đến trang Rau hữu cơ Đà Lạt. Thấy có nhiều điểm tương đồng nên tôi gọi cho Mỹ Linh để xin số điện thoại nhà xe để kiểm tra thì Linh cho số điện thoại nhưng không liên lạc được. Tôi cố gắng gọi lại cho Linh sau đó nhưng Linh không nghe máy. Sau đó thì Mỹ Linh chặn facebook của tôi và thu hồi tất cả các tin nhắn, rồi chặn tôi không cho tôi vào group Rau quả Hữu cơ Đà lạt.
Đến sáng ngày hôm sau, ngày 1/8, tôi không nhận được hàng như đã thống nhất. Tôi gọi cho người quen, khách hàng xung quanh thì cũng không ai nhận được hàng. Sau đó, tôi liên hệ với người quen ở Đà Lạt và các nơi thì mới biết Linh đã lừa rất nhiều người khác.
“Đây là hành vi trục lợi, lợi dụng lòng tin và khan hiếm của rau, củ, quả giữa đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và bức xúc cho không chỉ riêng cá nhân tôi. Hiện nay, chúng tôi theo dõi thì biết Cao Thị Mỹ Linh và Group Rau củ quả Đà Lạt vẫn đang lập những facebook giả khác để tiếp tục hành vi lừa gạt của mình. Chúng tôi rất cần cơ quan công an điều tra làm rõ vụ việc, không để bị lừa đảo một cách trắng trợn như vậy” - chị Phan Thị Hồng Hạnh nói thêm.
Luật sư Nguyễn Minh Dũng - Văn phòng Luật sư Nhân Vũ (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) đã nhận trợ giúp pháp lý và tư vấn miễn phí cho những người bị hại để trình báo đến cơ quan chức năng.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Dũng, khó khăn hiện nay đối với các bị hại là một số trường hợp có số tiền không lớn nên nhiều người bị hại cho qua vì chưa đủ để truy tố về mặt hình sự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều người ở xa, trong vùng dịch nên sẽ rất khó có mặt khi công an triệu tập. Theo như xác minh thì Mỹ Linh hiện tại không còn ở Đà Lạt như địa chỉ đã trong đăng ký hộ khẩu thường trú. Tội lừa đảo được qui định rất rõ tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hai dấu hiệu đặc trưng để cấu thành nên tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc được thể hiện rất rõ đó là tội phạm dùng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.
Theo luật sư Nguyễn Minh Dũng, trong vụ việc này có thể thấy phương thức thực hiện hành vi của tội phạm là dùng hình thức mua bán qua mạng cụ thể ở đây là mạng xã hội Facebook sử dụng những hình ảnh sản phẩm không có thực, không phải của mình để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác lợi dụng tình trạng dịch bệnh Covid-19, hạn chế người dân ra đường tại một số địa phương. Đối tượng bị lừa chủ yếu là những bán hàng, người phụ nữ có con nhỏ sinh sống trong khu vực, địa phương đang ảnh hưởng dịch Covid-19, hạn chế đi lại theo Chỉ thi 15, 16 của Thủ tướng Chính Phủ và nắm bắt được tâm lý sợ dịch bệnh, ngại di chuyển của người bị hại để dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội của mình.
“Qua tổng hợp sơ bộ thì đã có rất nhiều người bị hại với tổng số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng. Một số người dân không biết trình tự pháp luật và không biết gửi cho cơ quan nào để giải quyết nên chúng tôi nhận giúp hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp danh sách đơn tố cáo từ các nạn nhân để nộp lên cơ quan công an. Lợi dụng nhu cầu của người dân về nhu yếu phẩm thiết yếu trong mùa dịch như vậy là không thể chấp nhận được nên mình làm việc này với mong muốn các cấp chính quyền và cơ quan công an vào cuộc điều tra sớm làm rõ sự việc” - Luật sư Nguyễn Minh Dũng chia sẻ.
HỒNG THẮM