Trường hợp nào được giám định lại thương tật?

07:08, 20/08/2021

Trường hợp nào được giám định lại thương tật?

Bố của ông Đào Văn Phưởng (Thái Nguyên) hưởng chế độ bệnh binh mất sức 51%, được cấp thẻ bệnh binh từ năm 1982. Bố ông bị thương ở sọ não, khuyết sọ 3x3cm. Hiện nay, vết thương của bố ông tái phát liên tục, bị liệt một bên tay.
 
Ông Phưởng hỏi, bố ông có được giám định lại thương tật không? Người chăm sóc có được hưởng thêm chế độ gì không? Nếu được thì cần làm những thủ tục gì?
 
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
 
Về việc giám định lại thương tật, theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, thương binh có vết thương ở sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt thì được xem xét giám định lại thương tật.
 
Về trình tự, thủ tục, tại Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi nhận đủ hồ sơ đề nghị giám định lại thương tật do vết thương tái phát có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ đang lưu tại Sở, báo cáo UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Người có công) thẩm định hồ sơ.
 
Theo thông tin ông Phưởng cung cấp, bố của ông đang được hưởng chế độ bệnh binh mất sức lao động 51%, không phải thương binh. Trường hợp đã được xác nhận là thương binh, căn cứ theo quy định trên, đề nghị ông liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên để được xem xét, trả lời theo thẩm quyền.
 
Về chế độ trợ cấp cho người phục vụ, theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình được trợ cấp người phục vụ.
 
Như vậy, đối chiếu theo quy định nêu trên, trường hợp bố của ông không được hưởng trợ cấp người phục vụ.
 
(Theo Chinhphu.vn)