Là địa phương giáp ranh với nhiều tỉnh, huyện Cát Tiên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Là địa phương giáp ranh với nhiều tỉnh, huyện Cát Tiên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong đợt cuối năm và chuẩn bị đón tết, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
|
Tình hình kinh doanh tại huyện Cát Tiên chủ yếu tập trung ở các cửa hàng bách hóa, tạp hóa với các mặt hàng thiết yếu |
Nửa cuối tháng 12 hàng năm là thời điểm Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389) huyện Cát Tiên tập trung cao điểm, tiến hành kiểm tra hàng hóa chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Ngoài ra, các đợt kiểm tra cũng được quan tâm triển khai vào các dịp lễ, tết trong năm như Tết Trung thu, Giáng sinh, Tháng hành động vì người tiêu dùng,...
Theo ông Thạch Nguyễn Minh Cường, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cát Tiên (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389), tình hình sản xuất, kinh doanh tại huyện Cát Tiên phần lớn tập trung tại các cửa hàng bách hóa, tạp hóa, với các mặt hàng thiết yếu như mì ăn liền, bánh, kẹo, sữa, nước giải khát,... Tình trạng hàng giả, hàng nhái không nhiều, chủ yếu là tình trạng quá hạn sử dụng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người dân có sức tiêu thụ thấp, ít chú ý đến hạn sử dụng của sản phẩm hoặc đối với các mặt hàng ít thông dụng.
Để đảm bảo phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại, vi phạm các quy định về ghi nhãn, niêm yết,... nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã tham mưu UBND huyện Cát Tiên ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền các văn bản có liên quan đến lĩnh vực thương mại và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên hệ thống phát thanh địa phương, loa phát thanh các xã, thị trấn; phân công trách nhiệm đến từng thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo phân cấp ngành quản lý như: ngành công thương, ngành y tế, ngành nông nghiệp, ngành kiểm lâm,…
Trong năm 2021, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 huyện Cát Tiên theo nhiệm vụ được giao đã tiến hành kiểm tra 213 lượt đối với các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Qua đó, xử lý vi phạm 15 cơ sở và thu nộp phạt vào ngân sách nhà nước với số tiền trên 73 triệu đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực ngành Công thương, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 85 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Qua công tác kiểm tra, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản làm việc đối với các cơ sở kinh doanh có hàng hóa hết hạn sử dụng (số lượng ít), cho tiêu hủy tại chỗ với sự chứng kiến của các thành viên, chủ cơ sở và lãnh đạo địa phương quản lý.
Trong ngành Y tế, đã tiến hành kiểm tra 14 cơ sở y tế tư nhân, các cơ sở kinh doanh thuốc, dược phẩm (cửa hàng thuốc Tây) 14 cơ sở; 97 lượt cơ sở thuộc lĩnh vực thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về kinh doanh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với lĩnh vực ngành Nông nghiệp, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện và đã phát hiện, lập biên bản xử lý 3 cơ sở. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 2,250 triệu đồng...
Theo ông Thạch Nguyễn Minh Cường, bên cạnh công tác kiểm tra, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ và đảm bảo bình ổn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với các mặt hàng thiết yếu. Qua đó, xác định những ngành hàng, lĩnh vực tiềm ẩn khả năng phát sinh vi phạm; dự báo, đánh giá về quy luật hoạt động của các đối tượng. Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm đảm bảo đúng quy định.
VIỆT QUỲNH