Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự lần này được Quốc hội lấy ý kiến sửa đổi
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) lần này được Quốc hội lấy ý kiến sửa đổi những quy định để bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam và để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
|
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh góp ý về sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Tố tụng hình sự cho phù hợp |
Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì phải đình chỉ điều tra; điều này dẫn đến việc xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong Nhân dân, trong khi việc đình chỉ điều tra không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc đình chỉ điều tra trong trường hợp này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và những hậu quả lớn khác do vụ án không được giải quyết đúng.
Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để có căn cứ ra các quyết định trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Cơ quan điều tra không thể kết luận điều tra đề nghị truy tố; Viện kiểm sát cũng không thể ban hành cáo trạng để chuyển vụ án sang Tòa án vì chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, không thể xử lý tình huống bằng cách ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án do không có căn cứ. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 148, Khoản 1 Điều 229 và Khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến việc vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Đây là những trở ngại, hạn chế do khách quan đem lại, là những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn cần được xem xét tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội; và để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật. Dự báo trong thời gian tới, thế giới cũng như Việt Nam sẽ phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu; tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp do chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm hơn, khả năng lây nhiễm cao hơn.
VKSND tối cao thấy rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 148, Khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung: (i) căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; (ii) căn cứ tạm đình chỉ điều tra; và (iii) căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới.
Về nội dung này, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo bày tỏ quan điểm: Trước tiên tôi thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội; đồng thời, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đồng thời, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay thì việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện. Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tôi thống nhất cao sự tham gia của công an xã trong giai đoạn tiền tố tụng, thể hiện tính chính quy, chuyên nghiệp của lực lượng này. Đề nghị quy định rõ cụm từ “chuyển ngay” tại Khoản 1 Điều 1 của dự thảo luật, cần phải xác định rõ thời hạn cụ thể và được ghi nhận tại điều khoản chuyển tiếp để tăng cường trách nhiệm và bảo đảm sự chuẩn bị chu đáo cho lực lượng công an xã, bởi theo Đề án 106 của Bộ Công an thì việc xây dựng và bố trí trụ sở của công an xã cùng với các điều kiện làm việc còn gặp rất nhiều khó khăn (28/111 xã).
Trong quan hệ tố tụng phát sinh nhiều quan hệ xã hội mới làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề nghị các cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu lại để đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, có một số ý kiến góp ý cần mở rộng phạm vi sửa đổi BLTTHS vì phát sinh nhiều vướng mắc trong hoạt động thực tiễn, cụ thể là: Điểm a, Khoản 4, Điều 62 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị hại có nghĩa vụ “có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 127 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp được dẫn giải lại không quy định trường hợp người bị hại không có mặt theo giấy triệu tập của người tiến hành tố tụng như quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 62 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nội dung quy định như trên gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong việc áp dụng biện pháp dẫn giải người bị hại trong trường hợp họ cố ý vắng mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Khoản 2, Điều 114 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trường hợp cơ quan ra quyết định truy nã không thể đến cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị truy nã để nhận người bị bắt như sau: “Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất”.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều đơn vị công an cấp huyện cách trại tạm giam Công an tỉnh hơn 100 km, đường đèo dốc, gây khó khăn cho việc giải đối tượng truy nã đến Trại tạm giam sau khi nhận được lệnh tạm giam của đơn vị ra quyết định truy nã gửi đến. Trong khi đó, hiện nay các đơn vị công an cấp huyện vẫn đang thực hiện tạm giam bị can để điều tra tại nhà tạm giữ công an cấp huyện nên trong trường hợp công an cấp huyện bắt được hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã theo quy định tại Khoản 2, Điều 114 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tạm giam đối tượng truy nã tại nhà tạm giữ của công an cấp huyện là phù hợp.
NGUYỆT THU