Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, tỉnh xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển là trách nhiệm, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải thường xuyên, liên tục, đảm bảo sát thực tiễn; mọi hành vi vi phạm quy định về QLBVR phải được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời, theo quy định pháp luật. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Mục tiêu đặt ra là tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của rừng, đất lâm nghiệp. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ pháp luật; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái bến vững, chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển rừng bền vững, đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp, cây đa mục đích phù hợp với điều kiện từng vùng; phát triển mạnh các loại hình du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, hiệu quả kinh tế của rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, giai đoạn năm 2021 - 2025, phải quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo quy hoạch; phấn đấu giảm từ 20%/năm trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại; số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng vi phạm đạt từ 85% trở lên; giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để trồng lại rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng. Triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, trồng 50 triệu cây xanh; khôi phục rừng trên đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp theo kế hoạch; phát triển rừng sản xuất, trồng cây dược liệu, cây đặc sản có giá trị cao dưới tán rừng; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng từ 55% trở lên.
Nâng cao giá trị kinh tế từ rừng thông qua thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp lên 4 - 5% giá trị sản xuất của toàn ngành.
Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong QLBVR; các vụ vi phạm quy định về QLBVR được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định; nâng cao chất lượng rừng (cả rừng tự nhiên và rừng trồng); phát triển kinh tế rừng; thực hiện trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng 50 triệu cây xanh, trồng cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp còn lại theo kế hoạch; thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong công tác QLBVR và phát triển rừng; phấn đấu đến năm 2030, nguồn thu từ rừng đủ bù đắp kinh phí cho công tác QLBVR và phát triển rừng, góp phần đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 56% trở lên.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin