Sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

06:05, 11/05/2022
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã và đang tiếp tục được tổ chức lấy ý kiến góp ý của Nhân dân nhằm hoàn thiện pháp luật, đảm bảo quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị Phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự Hội nghị Phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Dự thảo luật gồm 6 chương, 49 điều, với các điểm mới: bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
 
Tại các buổi góp ý trực tiếp và trực tuyến, nhiều ý kiến đều thống nhất về việc ban hành dự luật này rất cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định.
 
Dự án Luật này ra đời sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, phát sinh trong quá trình thực hiện Pháp lệnh 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, Nghị định 04/2015 và Nghị định 145/2020 của Chính phủ; tạo ra quy định thống nhất, đồng bộ và thực hiện hiệu quả việc phát huy dân chủ trong Nhân dân. Việc Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội cũng là một biện pháp góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở và ở cơ sở.
 
Tại Hội nghị Phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hình thức trực tuyến vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội kỳ này phải là bước thể chế quan trọng tinh thần Đại hội XIII của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, về trách nhiệm bảo đảm thực hiện của các cơ quan Nhà nước và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở.
 
Trong quá trình phản biện, có đại biểu góp ý cần bổ sung các quy định xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Có đại biểu góp ý nêu thực tế về việc có thể phát sinh các vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chẳng hạn như chậm trễ hoặc cản trở công dân thực hiện các quyền dân chủ; hoặc lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để kích động, gây rối làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm mất tính chính danh, uy tín của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về chế tài, về các hình thức xử lý vi phạm khi thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở như đã nêu. 
 
Các đại biểu của Lâm Đồng cũng thống nhất đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu để quy định đầy đủ các quy phạm về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể trong Luật, đó là các quyền cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; các quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong hệ thống chính trị là cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện trong Luật này. Đây cũng là yêu cầu khách quan để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
 
TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được ban hành cách đây hơn 15 năm. Việc thực hiện Pháp lệnh và các quy định khác về thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân,... Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV. Việc xem xét cho ý kiến về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất quan trọng để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sắp tới. 
 
NGUYỆT THU