Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tải trọng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng quá tải, quá khổ. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xe quá tải vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều tuyến đường, bất kể quốc lộ, tỉnh lộ, hay đường liên huyện, liên xã, liên thôn.
|
Rất nhiều tuyến đường ở vùng nông thôn bị xuống cấp, một phần do tình trạng xe quá tải |
Phải ghi nhận rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và các địa phương, thời gian qua, việc ngăn chặn xe chở quá tải, quá khổ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xe quá tải vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều tuyến đường bất kể quốc lộ, tỉnh lộ, hay đường liên huyện, liên xã, liên thôn. Xe quá tải, quá khổ đã và vẫn đang là nỗi lo tiềm ẩn mất an toàn giao thông và tàn phá, gây hư hỏng nhiều con đường.
Quốc lộ 20 là tuyến đường có lượng xe lưu thông qua lại khá đông. Hàng ngày có hàng ngàn lượt xe ô tô lưu thông qua tuyến quốc lộ này. Thời gian qua, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý các phương tiện trọng tải qua lại khi có dấu hiệu vi phạm. Qua công tác tuần tra kiểm soát, thanh tra Sở GTVT đã phát hiện tài xế lái xe mang biển số 49H - 01028 vi phạm cùng lúc nhiều lỗi. Cụ thể, chở quá tải trọng thiết kế trên 30 đến 50% và quá tải trên đường từ 20 đến 50%. Theo Nghị định 123 năm 2021 sửa đổi bổ sung của Chính phủ thì tổng mức phạt với 2 lỗi hành vi này là 92 triệu đồng. Trong đó, tài xế bị phạt 18 triệu đồng, chủ xe bị phạt 74 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước phù hiệu 2 tháng và tước giấy phép lái xe 3 tháng. Mức phạt này là rất nặng với nhiều lỗi quá tải, quá khổ lên đến cả trăm triệu đồng và các lái xe đều thừa nhận lỗi vi phạm.
Tài xế Lê Văn Thịnh cho biết, quá trình lái xe trên các tuyến đường, anh chứng kiến không chỉ tuyến đường liên xã, nội thị, mà tại các tuyến Quốc lộ 20, 27, 27C, Quốc lộ 28, 28B, tỉnh lộ 721, 725,... hàng ngày cũng đang “oằn mình” vì xe quá tải. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng xuống cấp trên một số tuyến đường liên thôn, liên huyện ở Lâm Hà, ông Trần Đức Nhân, một người dân ở huyện Lâm Hà nhận xét: Tôi thấy, nhiều tuyến đường mới làm xong đã bị xuống cấp đều liên quan đến xe quá tải ra vào. Mặc dù các ngành chức năng thời gian gần đây đã quan tâm và cũng kịp thời tu sửa, nhưng một thời gian sau đường lại xuống cấp. Đặc biệt, là hệ thống các cầu cũ cũng đang phải “đối mặt” với những lượt xe quá tải, và điều này cũng làm cho cầu bị hỏng nhanh.
Ông Nguyễn Đăng Tuyến (Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ 1 Lâm Đồng) cho biết: Xe quá tải vượt cầu, lấn đường vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Những xe này có đủ chiêu trò để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Qua kiểm tra cho thấy vẫn có hàng trăm lượt xe vi phạm tải trọng; và mỗi năm có hàng chục km đường giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng do xe quá tải gây ra.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 88 nghìn phương tiện xe ô tô các loại, trong đó, xe ô tô tải chiếm hơn 23.700 xe và hơn 1.000 xe trọng tải lớn. Theo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng, để có giải pháp ngăn chặn xe quá tải, thực hiện Thông tư 42 của Bộ GTVT , từ năm 2014 đến nay, các phương tiện trọng tải khi vào đăng kiểm tại đây đều phải viết bản cam kết không chở quá tải nhưng thực tế, phương án này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ngoài Quốc lộ 20, tại các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, liên xã vùng sâu, vùng xa, xe trọng tải lớn vẫn ngang nhiên hoạt động. Để kịp thời ngăn chặn, ngoài trách nhiệm của lực lượng công an các địa phương thì Cảnh sát Giao thông, Thanh tra giao thông của tỉnh cần đẩy mạnh công tác phối hợp, xây dựng phương án hỗ trợ, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện trọng tải vi phạm.
NGUYÊN THI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin