Nâng chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh

05:07, 13/07/2022
Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) là nhiệm vụ quan trọng đối với học sinh, sinh viên, được thực hiện lồng ghép ở phổ thông và là học phần tại các trường hệ chuyên nghiệp. 
 
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tham gia GDQPAN tháng 6/2022
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tham gia GDQPAN tháng 6/2022
 
•  TĂNG CƯỜNG Ở PHỔ THÔNG ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU 
 
Năm học 2021 - 2022, tỉnh Lâm Đồng có 59 trường cấp THPT với tổng 1.202 lớp/42.307 học sinh. Mặt thuận lợi là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Hội đồng GDQPAN tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác quân sự, quốc phòng; thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời công tác GDQPAN. Đội ngũ giáo viên GDQPAN được tập huấn, bồi dưỡng trước năm học mới; cơ sở vật chất phục vụ dạy, học bộ môn được quan tâm đầu tư; ý thức, trách nhiệm của học sinh từng bước nâng cao. Tuy nhiên, khó khăn đây là môn học đặc thù nên yêu cầu về cơ sở vật chất vẫn còn chưa đáp ứng. Thực tế kỹ năng quân sự của một số giáo viên còn hạn chế nên các nội dung giảng dạy về thực hành chất lượng chưa cao. 
 
Trong năm học 2021 - 2022, theo Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải, các trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền các văn bản liên quan đến GDQPAN cho toàn thể giáo viên và học sinh, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng dạy và học môn GDQPAN. Tài liệu, sách giáo khoa, hệ thống sổ sách đăng ký thống kê, kế hoạch giảng bài, giáo án của giáo viên GDQPAN thực hiện đúng quy định. Các trường thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo viên, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cụ thể và sử dụng tốt các trang thiết bị được cấp phát. Về thiết bị dạy học, Sở GDĐT đã trang bị cho 57/59 trường THPT (02 trường mới chưa được trang bị) một số trang, thiết bị cơ bản, tuy nhiên vẫn còn chưa đủ so với quy định của Thông tư 01/2018/TT-BGDĐT. Một số thiết bị chất lượng không tốt nên chưa phát huy hết tác dụng, hiệu quả trong quá trình dạy học. Các trường có nhiều cố gắng tự làm đồ dùng dạy học, mua sắm hoặc mượn một số vật chất thiết bị của cơ quan quân sự địa phương và mượn trao đổi giữa các trường…
 
Cơ bản các trường đã biên chế đủ giáo viên đảm nhiệm môn GDQPAN bằng nguồn đào tạo dài hạn, ngắn hạn và thỉnh giảng. Đến nay, toàn tỉnh có 106 giáo viên/59 trường đảm nhiệm giảng dạy môn GDQPAN, trong đó cơ hữu 103 giáo viên, thỉnh giảng 3 giáo viên. Đã qua đào tạo văn bằng 2 GDQPAN là 66 giáo viên, chiếm 62,26%. Hiện còn 40 giáo viên chưa qua đào tạo văn bằng 2 theo Đề án 607, chiếm 37,73 %, các giáo viên này đã qua đào tạo ngắn hạn 6 tháng, có trình độ đại học GDQPQN và đại học ghép môn GDQPAN. Toàn ngành có 3/6 cán bộ quản lý thuộc đối tượng 2 đã tham gia bồi dưỡng tại Trường Quân sự Quân khu 7; 221/231 cán bộ thuộc đối tượng 3 đã qua bồi dưỡng, đạt 95,67%; 50 giáo viên thuộc đối tượng 4 được bồi dưỡng kiến thức QPAN trong 4 ngày tháng 6/2022. Toàn ngành đã có 1.613 giáo viên, nhân viên đã qua bồi dưỡng. Rất tiếc việc tổ chức Hội thao GDQPAN cho 700 học sinh trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng lần thứ III năm 2021 tại huyện Đức Trọng không triển khai được vì dịch COVID-19. Đây là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện trong năm học 2022 - 2023, cùng việc thực hiện chương trình GDQPAN cho học sinh lớp 10 theo Thông tư số 46/2020 của Bộ GDĐT… 
 
Kết quả chất lượng học tập GDQPAN năm học 2021 - 2022 của học sinh như sau. Học sinh giỏi có 24.018 em, chiếm 56,77 % (năm học 2020 - 2021 có 22.559 em, chiếm 53,5%). Học sinh khá có 16.901 em, chiếm 39,95 % (năm học 2020 - 2021 có 17.853 em, chiếm 42,34%). Học sinh trung bình có 1.324 em, chiếm 3,13 % (năm học 2020 - 2021 có 1.704 em chiếm 4,04%). Học sinh yếu có 64 em, chiếm 0,15% (năm học 2020 - 2021 là 48 em, chiếm 0,12%). 
 
•  ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO SINH VIÊN 
 
Đối với các trường khối chuyên nghiệp, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 10 trường đại học, cao đẳng, trung cấp với số lượng gần 3.800 sinh viên đã và sẽ tham gia chương trình GDQPAN tại Trường Đại học Đà Lạt từ năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023. Trung tâm GDQPAN (Trung tâm) của Trường Đại học Đà Lạt theo phân tuyến của Bộ Quốc phòng, từ năm học 2021 - 2022 là điều kiện rất thuận lợi cho các trường khối chuyên nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3/2022, Trung tâm chính thức tổ chức 2 đợt giảng dạy học phần GDQPAN cho sinh viên nhà trường. Gồm 750 sinh viên K44, Khối Khoa học Xã hội và Nhân văn, tổ chức thành 16 lớp; 1.000 sinh viên K45 của tất cả các khối tổ chức thành 28 lớp học. Cả hai đợt sinh viên đều được học lý thuyết và thực hành đạt các yêu cầu chất lượng của bộ môn. 
 
Đối với các trường liên kết đào tạo, chiều 11/7/2022, trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm, ông Võ Thuấn cho biết kết quả GDQPAN như sau: Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Quốc Việt có 66 sinh viên, 100% Đạt (37 loại Xuất sắc, loại Giỏi 23 và 6 loại Khá); Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng có 56 sinh viên, 100% Đạt (4 loại Giỏi, 29 loại Khá và 23 loại Trung bình); Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt có 290 sinh viên, 90,3% Đạt (8 loại Giỏi, 58 loại Khá và 196 loại Trung bình), 28 sinh viên Không đạt (chiếm tỷ lệ gần 9,7%). Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc có 217 sinh viên (20 xếp loại Khá, 195 xếp loại Trung bình và 2 Không đạt). Hai trường đã hoàn thành chương trình đào tạo vào tháng 6/2022 đang xét để cấp chứng nhận. Trong đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có 182 sinh viên đều Đạt và Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Đà Lạt có 70 sinh viên. 
 
Ông Võ Thuấn cũng cho biết, theo kế hoạch liên kết giữa 2 cơ sở giáo dục, trong năm 2022, Trung tâm sẽ đào tạo 300 sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng vào tháng 9; đào tạo 766 sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt vào tháng 7 và đào tạo 100 sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt vào tháng 10. 
 
MINH ĐẠO