Bố của ông Cao Kim Hoàn sinh sống tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội từ năm 2018, nhưng nơi khám chữa bệnh ban đầu của BHYT vẫn ở quận Kiến An, TP. Hải Phòng. Ông Hoàn hỏi, có thể chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu cho bố ông đến Bệnh viện 103 Hà Đông được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế thì người tham gia BHYT được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Quân Y 103 là bệnh viện tuyến Trung ương) trong các trường hợp sau:
- Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe theo Hướng dẫn số 52HD/BTCTW ngày 2/12/2005 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc điều chỉnh bổ sung đối tượng khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế của Trung ương;
- Người có công với các mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên;
- Người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu;
- Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn TP. Hà Nội theo quy định của Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội sau khi có sự thống nhất bằng văn bản với Giám đốc BHXH TP. Hà Nội.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 40/2015/TT-BYT nêu trên thì Sở Y tế TP. Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với BHXH TP. Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành, quy định đối tượng, cơ cấu nhóm đối tượng, số lượng người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh.
Để được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Quân Y 103, đề nghị bố của ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ và cung cấp đầy đủ thông tin để được giải đáp, hướng dẫn thủ tục thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu cho bố của ông theo quy định.
(Theo Chinhphu.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin