Chấn chỉnh hoạt động khai thác cát

05:10, 13/10/2022
Huyện Lâm Hà đã thực hiện chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về cấp phép, quản lý, khai thác tài nguyên cát trên địa bàn huyện.
 
Lực lượng chức năng giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Lâm Hà
Lực lượng chức năng giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Lâm Hà
 
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà, thời gian qua, tình hình hoạt động khai thác, nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản cát xây dựng tại lòng sông, lòng suối, lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để xảy ra nhiều vi phạm, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tình trạng khai thác, nạo vét trái phép, không phép, trá hình chưa được ngăn chặn triệt để gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách nhà nước. Điển hình như hoạt động khai thác cát tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 1, xã Đan Phượng; nạo vét trái phép tại lòng hồ thủy điện Sar Deung khu vực thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ...
 
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, tuân thủ theo đúng quy định, tạo sự công bằng, môi trường lành mạnh trong hoạt động khai thác, nạo vét cát xây dựng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh; UBND huyện đã yêu cầu 5 công ty đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng, hoạt động trong phạm vi bảo vệ lòng hồ thủy điện, thủy lợi từ năm 2021 đến nay tạm dừng các hoạt động này.
 
Đồng thời, huyện đã tiến hành kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động khai thác, nạo vét của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác cát; qua đó đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép của Công ty TNHH Hiệp Hưng vì không chấp hành nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, không thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo yêu cầu; xử phạt vi phạm hành chính nông ty này với tổng số tiền phạt là 390 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép có thời hạn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hơn 463 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm việc công khai thông tin về thời gian, phương tiện khai thác, khối lượng khai thác, nạo vét đã đăng ký khi cấp phép; phạm vi, công suất khai thác, nạo vét để người dân, địa phương biết, giám sát. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công khai nêu trên thì tiến hành đình chỉ hoạt động khai thác theo quy định.
 
Ngoài ra, huyện chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác, nạo vét cát trái phép, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định, sử dụng các phương tiện thủy nội địa không có đăng kiểm, đăng ký, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn tham gia hoạt động nạo vét, khai thác cát và tuyệt đối không để xảy ra sai phạm hoặc các điểm nóng về tình trạng này trên địa bàn. 
 
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã đã xử phạt vi phạm về lĩnh vực khoáng sản (cát) 10 trường hợp, với số tiền phạt là hơn 272 triệu đồng, tịch thu 16 máy nổ, 23 m3 cát, 4 sàng cát, 2 bè sắt… Đặc biệt, để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát không phép tại lòng hồ thủy điện Sar Deung 2 và lòng hồ thủy điện Đồng Nai 1, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND huyện chỉ đạo UBND xã Phúc Thọ và Đan Phượng xây dựng kế hoạch tuần tra thường xuyên, tổ chức đồng bộ việc tuần tra, truy quét, ngăn chặn, xử lý triệt để. Nhất là vị trí có 1 thuyền sắt đang neo đậu giữa lòng hồ thủy điện Sar Deung 2 thuộc địa bàn UBND xã Phúc Thọ quản lý.
 
Ông Nguyễn Tài Phương - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 đơn vị khai thác cát. Ngoài ra, còn có 4 đơn vị có giấy phép thăm dò khoáng sản năm 2022 và 9 đơn vị có hồ sơ nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản cát. Để bảo vệ tốt khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, huyện đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép; thường xuyên theo dõi, giám sát các đơn vị đã được cấp phép, yêu cầu các đơn vị chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản cũng như trong công tác hỗ trợ người dân nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nếu hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng đến đường giao thông của địa phương.
 
Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác cấp giấy phép khoáng sản trên địa bàn huyện; công tác phục hồi, cải tạo môi trường đối với các tổ chức, cá nhân đã hết hạn giấy phép. Khoanh định các vùng có nguồn tài nguyên dồi dào để hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực.
 
Ông Phương cho biết thêm, việc chấn chỉnh, kiểm tra được huyện làm thường xuyên, liên tục, đưa hoạt động khai thác khoáng sản của các cá nhân, tổ chức đảm bảo chấp hành đúng, đủ các quy định, nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản tại địa phương. Qua đó, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản, không để bị thất thoát và chống thất thu thuế trong lĩnh vực này. Đồng thời, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân không bị ảnh hưởng do các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
 
HOÀNG YÊN