“Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” - đó là ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Đất đai, trên cơ sở 8 năm đi vào thực tiễn và được xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai 2013 trong Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Qua đó, sẽ điều chỉnh, bổ sung dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ tư - Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
|
Các đại biểu, chuyên gia của Lâm Đồng góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này gồm 16 chương, 245 điều; trong đó, giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Sau hơn 8 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo, vi phạm về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60% trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan Nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
Luật sửa đổi, điều chỉnh nhằm hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Một đại biểu, chuyên gia của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) phải hướng đến xác định được giá đất sát với giá thị trường. Định giá đất luôn là bài toán không hề đơn giản, việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, làm thế nào để mức giá của Nhà nước phản ảnh sát giá thị trường. Để làm điều đó, cơ chế xác định giá đất cần xem xét hoàn thiện và đổi mới phương pháp định giá đất cụ thể; phương pháp định giá hàng loạt, đặc biệt, khắc phục những tồn tại, hạn chế yếu tố đầu vào của định giá đất; phương thức quản lý giá đất dựa trên đăng ký giá đất; hoàn thiện hệ thống tổ chức định giá đất.
Đại biểu Bùi Thanh Long - thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: “Việc sửa đổi các điều khoản như trong dự thảo Luật lần này là quá nhiều, nhất là có nhiều quy định về thủ tục, về trình tự như Chương 4 về “Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai” gồm 7 điều; chương 5 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 17 điều... Theo tôi, nếu chỉ quy định trong một số điều chung, còn các nội dung chi tiết sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật thì sẽ giảm bớt được số điều của Luật Đất đai”.
Một đại biểu góp ý: Quy hoạch sử dụng đất là thành phần không thể thiếu trong tất cả các đồ án quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Vì vậy, hệ thống quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất và tuân thủ theo hệ thống quy hoạch chung…
Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của các bên liên quan, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi. Việc đăng ký đất đai lần đầu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đạt tỷ lệ cao. Cơ sở dữ liệu về đất đai bước đầu được quan tâm xây dựng.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy, nhất là trong sử dụng đất nông nghiệp. Đại biểu góp ý về thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh; thể chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản từng bước được hoàn thiện. Chính sách tài chính về đất đai được hoàn thiện đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, những quy định đổi mới về giá đất đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế. Chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Đề nghị Ban Soạn thảo lưu tâm đến khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin