Bằng việc đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện PBGDPL cho đối tượng đặc thù. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào DTTS.
|
Đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS |
Tỉnh Lâm Đồng có 46 DTTS, chiếm hơn 25% dân số toàn tỉnh. Riêng vùng DTTS và miền núi có 78 xã, 49 thôn với dân số hơn 220 ngàn người. Trong những năm qua, công tác PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS và miền núi với những hình thức phù hợp.
Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay, đồng bào DTTS là đối tượng đặc thù trong công tác PBGDPL. Do đó, đòi hỏi nội dung, hình thức phổ biến kiến thức pháp luật phải phù hợp, nội dung tuyên truyền phải gần gũi, dễ hiểu, thiết thực, tôn trọng và có liên quan mật thiết với đời sống của đồng bào DTTS. Đặc biệt ưu tiên phổ biến nội dung liên quan đến những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực tư pháp hiện nay như: tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tranh chấp liên quan đến hôn nhân gia đình, thừa kế, đền bù, giải phóng mặt bằng … Cùng với đó, hình thức và thời điểm tuyên truyền, PBGDPL phải tổ chức vào thời gian phù hợp mới thu hút được sự tham gia của người dân, tránh thời điểm như vụ mùa thu hoạch lúa, cà phê và những ngày lễ trọng của tôn giáo hay lễ hội của dân tộc.
Cũng theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Dơ Woang Ya Gương, việc tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS chủ yếu theo hai hình thức mang lại hiệu quả cao. Một là, PBGDPL theo hình thức cá biệt, đó là gặp gỡ một người hoặc một nhóm người có quan hệ dòng tộc trong những dịp có việc trong gia đình, dòng họ như hòa giải tranh chấp tài sản, đất đai, xử lý đơn thư của đồng bào DTTS... thông qua sự vụ, sự việc cụ thể có liên quan thì tuyên truyền viên có thể tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xử lý sự việc theo quy định pháp luật. Hai là, PBGDPL theo hình thức tập trung thông qua các hội nghị tuyên truyền pháp luật hay các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy, bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Trong đó, tập trung các đối tượng như già làng, trưởng thôn, người có uy tín, đoàn thể cấp thôn và người dân. Thông qua các hội nghị tuyên truyền pháp luật, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, các đối tượng trên được phổ biến kiến thức pháp luật theo từng chuyên đề, được trao đổi trực tiếp với báo cáo viên những vấn đề chưa rõ; từ đó giúp họ tiếp cận và thực hiện theo pháp luật.
Bên cạnh đó, đồng bào DTTS có những phong tục, tập quán phù hợp, cũng có những phong tục, tập quán không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, đối với những phong tục, tập quán không phù hợp cần xóa bỏ thì phải có người biết tiếng DTTS, biết phong tục tập quán và đặc điểm văn hóa của từng dân tộc làm nhiệm vụ phổ biến pháp luật để giải thích được những quy định pháp luật một cách sát nghĩa, lý giải được các hành vi của phong tục tập quán không phù hợp với quy định của pháp luật cần xóa bỏ. Qua đó tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp thu các kiến thức, quy định pháp luật một cách dễ dàng hơn, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS.
“Với những hình thức tuyên truyền, PBGDPL đa dạng, phù hợp cho người dân vùng đồng bào DTTS, các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng DTTS giảm hẳn, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, an ninh trật tự địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS ổn định, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Dơ Woang Ya Gương chia sẻ.
VIỆT HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin