Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai công tác PBGDPL và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là đối tượng đặc thù đã có nhiều chuyển biến tích cực.
|
Lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số |
Ông Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh cho biết, 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên tổ chức những đợt tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng, trong đó ưu tiên đối với đối tượng đặc thù là người ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người nghèo, người dân nông thôn, người già neo đơn, người khuyết tật, người lao động, người sử dụng lao động, người đang chấp hành hình phạt tù tại Trại cải tạo Đại Bình, Trại tạm giam Công an tỉnh và các đối tượng tệ nạn xã hội. Từ năm 2012 đến nay, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù được 19.539 lượt người. Cụ thể, đã trợ giúp pháp lý cho 9.433 người dân tộc thiểu số, 2.235 người nghèo, 180 người khuyết tật, 317 người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, 7 người bị hại trong vụ án hình sự, 4 người là nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình... Ngoài ra, Hội Luật gia tỉnh thực hiện 53 buổi tuyên truyền, phổ biến cho 8.000 lượt người chấp hành hình phạt tù, tạm giam và 6 buổi cho các đối tượng tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, công tác PBGDPL cho người dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chú trọng. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng và triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn tỉnh và đạt nhiều kết quả. Từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan tổ chức 98 hội nghị cho gần 10.460 lượt người tham dự; cung cấp hơn 100 tin, bài về thực hiện chính sách dân tộc; tổ chức Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới…” trong học sinh người dân tộc thiểu số của 9 trường phổ thông trung học nội trú cấp huyện và tỉnh, thu hút hơn 1.200 giáo viên và học sinh tham gia. Đồng thời, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức gần 800 cuộc tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho hơn 100.000 lượt người tham dự; in ấn và cấp phát hơn 700.000 tờ rơi, tranh gấp, tài liệu tuyên truyền...
|
Công tác PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được thường xuyên |
Đánh giá về công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù trong 10 năm qua, ông Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, về nội dung, công tác PBGDPL đã được triển khai thực hiện mang tính đồng bộ, tập trung vào những nội dung quy định của Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Đồng thời, việc tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù đã được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống; qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội diễn văn nghệ; phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật… Qua đó, giúp cho các đối tượng đặc thù nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa chủ động, kịp thời, chưa phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù tại địa phương mình; chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia PBGDPL cho các đối tượng đặc thù nên công tác này ở một số địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. “Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thiếu đội ngũ báo cáo viên pháp luật biết ngôn ngữ dân tộc thiểu số, có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị phạt tù được hưởng án treo… công tác PBGDPL cho đối tượng này chưa được thường xuyên”, ông Nguyễn Quang Tuyến nhận định.
Có thể khẳng định, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các ngành, các cấp quan tâm, chú trọng và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng đặc thù, qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Luật PBGDPL năm 2012 xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù, gồm: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành án phạt tù; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị phạt tù được hưởng án treo. |
TỨ KIÊN