Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình

03:12, 27/12/2022
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng xây dựng Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
 
Hội LHPN tỉnh trao vật dụng thiết yếu để vận hành Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại thôn Kala Krọt. Hội LHPN tỉnh trao vật dụng thiết yếu để vận hành Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại thôn Kala Krọt
Hội LHPN tỉnh trao vật dụng thiết yếu để vận hành Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại thôn Kala Krọt. Hội LHPN tỉnh trao vật dụng thiết yếu để vận hành Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại thôn Kala Krọt
 
Kala Krọt là thôn đặc biệt khó khăn của xã Bảo Thuận, huyện Di Linh với đa số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên vừa được chọn triển khai xây dựng Mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. “Đây là mô hình mới nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Mỗi thành viên của mô hình sẽ là một tuyên truyền viên nòng cốt, tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới và kỹ năng để phòng tránh bạo lực gia đình; tuyên truyền quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của vợ và chồng trong hôn nhân và gia đình, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và bài trừ mê tín, dị đoan, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, nghiện hút… tạo môi trường lành mạnh trong gia đình, thôn, bản”, bà Ka Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Di Linh chia sẻ.
 
Phó Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thuận K’Bring cho hay: “Đây là mô hình thiết thực góp phần phát hiện, tiếp nhận kịp thời tin báo về vụ việc bạo lực gia đình ở địa bàn. Từ đó nhanh chóng tổ chức can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi bạo lực gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế… cho nạn nhân ở thôn, bản, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương”.
 
Thực hiện kế hoạch xây dựng điểm các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Hội LHPN tỉnh lựa chọn 3 xã: Bảo Thuận (huyện Di Linh), Tân Thanh (huyện Lâm Hà) và Liêng Srônh (huyện Đam Rông) để triển khai xây dựng Mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Mô hình được thành lập trên cơ sở phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, từng bước phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình ở cộng đồng. Trong đó, các thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng như Trưởng Công an, cán bộ Hội Phụ nữ, tư pháp, văn hóa, y tế, MTTQ Việt Nam xã, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, trưởng các đoàn thể trong thôn, người có uy tín trong cộng đồng… nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng. Qua đó, trở thành “điểm tựa” cho phụ nữ bị bạo hành, giúp nạn nhân của bạo lực gia đình mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của địa chỉ tin cậy; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, những năm qua, nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cộng đồng, thông qua việc cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị bạo lực bao gồm: tạm lánh, chăm sóc y tế, tư vấn pháp luật cơ bản… đã được các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh chú trọng  triển khai. Cụ thể đã thành lập được 90 Mô hình “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh”. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, Hội LHPN tỉnh tiếp tục xây dựng Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Đây là các mô hình hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình; đồng thời cũng là nơi chia sẻ, tháo gỡ những bất hòa của người bị bạo lực, gửi gắm những tâm tư, vướng mắc của các hội viên phụ nữ. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của mô hình, nhiều phụ nữ được bảo vệ trước nạn bạo lực gia đình và mạnh dạn lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực gia đình. Qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống bạo lực, nhất là bạo lực gia đình, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. 
 
VIỆT HÙNG