Quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng

04:12, 13/12/2022
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng để huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Trong năm 2022, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 
 
Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện. Trong kỳ, toàn tỉnh đã ban hành 85 văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tập trung là thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập... Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng luôn bảo đảm kịp thời, bám sát mục đích, yêu cầu, các quy định cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng, làm cơ sở để các cơ quan, địa phương, đơn vị và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tổ chức triển khai thực hiện.
 
UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị và các địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với hình thức phù hợp và triển khai thực hiện nghiêm các nội dung như: Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, văn minh. Thông qua kết quả thực hiện đã góp phần ngăn chặn từng bước đẩy lùi tham nhũng.
 
Lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan cũng đặc biệt quan tâm, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện nghiêm túc và được triển khai đồng bộ, thường xuyên trên các lĩnh vực như thực hiện công khai, minh bạch; xây dựng, ban hành và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng được tăng cường. Việc phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được chú trọng thực hiện...
 
Theo số liệu của UBND tỉnh, trong kỳ, toàn tỉnh đã thực hiện 131 cuộc thanh tra hành chính và 874 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm với số tiền 27 tỷ đồng. 
 
Trong đó, ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước 14,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác gần 12,3 tỷ đồng, ban hành quyết định thu hồi, quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế qua thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Cũng qua thanh tra, phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
 
Kết quả thực hiện phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực đã nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng; góp phần giúp cho việc sử dụng kinh phí, tài sản công bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chuyên môn. Đồng thời, bảo đảm sự liêm chính, nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhất định, tuy nhiên có thể nói rằng, sự quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của các cấp, các ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nền hành chính hiệu quả, minh bạch, vì Nhân dân phục vụ. Từ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững và môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, sử dụng hiệu quả, tập trung nguồn lực cho sự phát triển.
 

Theo số liệu của UBND tỉnh, trong kỳ, toàn tỉnh đã thực hiện 131 cuộc thanh tra hành chính và 874 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm với số tiền 27 tỷ đồng.  

 
NGUYÊN THI