Báo cáo thường niên IMF: Kinh tế thế giới trì trệ do hệ thống tài chính

07:10, 07/10/2010

Nguy cơ đối với sự ổn định của hệ thống tài chính vẫn còn cao do ngành ngân hàng yếu kém, gánh nặng nợ công, và tăng trưởng trì trệ.

Nguy cơ đối với sự ổn định của hệ thống tài chính vẫn còn cao do ngành ngân hàng yếu kém, gánh nặng nợ công, và tăng trưởng trì trệ.

 

Trong báo cáo “Ổn định tài chính toàn cầu” 2010 ra ngày 5/10, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF nhấn mạnh những nguy cơ dai dẳng đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ nợ công tại các nền kinh tế phát triển cùng những căng thẳng mang tính hệ quả từ thị trường trái phiếu chính phủ, nhất là tại châu Âu còn cao.

IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nước phát triển sẽ phải đương đầu với những tác động từ tăng trưởng chậm, nợ công ngày một tăng và hệ thống các định chế tài chính có khả năng đổ vỡ.

IMF thừa nhận tiến trình ổn định tài chính thời gian qua đã bị khủng hoảng nợ công tại châu Âu kéo lại. Yếu kém tín dụng tại châu Âu khiến các chính phủ liên tiếp áp dụng các kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách, gây ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Nhiều nước có thể gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc các khoản nợ của chính phủ do tăng trưởng kém.

Theo IMF, phục hồi kinh tế toàn cầu đang mất đà sau khi tăng trưởng vượt kỳ vọng vào đầu năm 2010.

Thị trường trái phiếu chính phủ gần đây diễn biến thất thường bởi các nhà đầu tư nghi ngờ sự thành công thực sự đằng sau những phiên đấu giá trái phiếu chính phủ của các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Ireland. Khả năng các nước này có thể thực hiện các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh tay để giảm các khoản nợ khổng lồ vẫn còn là một dấu hỏi.

Theo IMF, trong bối cảnh bất ổn hiện tại, các biện pháp đặc biệt hỗ trợ ngành ngân hàng hay các chính sách tiền tệ bất thường có thể phải duy trì lâu hơn so với dự kiến ban đầu, cho đến khi tình hình thế giới khả quan hơn.

Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh rằng về dài hạn, chìa khóa cho sự ổn định tài chính là các chiến lược giảm nợ khả thi và kích thích tài khóa cùng việc khôi phục hệ thống ngân hàng thông qua tái cấu trúc vốn hoặc đóng cửa các ngân yếu kém.

Giải quyết được các vấn đề mang tính kế thừa của ngành ngân hàng sẽ đảm bảo cho thị trường vốn vận hành bình thường và nền kinh tế do đó sẽ được hỗ trợ một cách hợp lý. Bởi theo giám đốc IMF, ông José Viñals, hệ thống tài chính vẫn còn là “gót chân Asin” của đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

IMF kêu gọi các chính phủ nỗ lực hợp tác để hoàn thiện cải tổ khung điều tiết toàn cầu đã được khởi động từ năm 2008. IMF nhấn mạnh rằng cần sớm thông qua chi tiết các cải cách tài chính, nếu không những yếu kém trong điều tiết sẽ còn kéo dài một thời gian, làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính mới.

IMF hoan nghênh những yêu cầu chuẩn vốn mới đối với ngành ngân hàng của Ủy ban Basel, nhưng cho rằng nên gia hạn thời gian áp dụng bởi đà phục hồi kinh tế thế giới vẫn còn yếu.

IMF cũng cho biết, các nước châu Á và Mỹ Latinh đang hưởng lợi từ luồng vốn ngoại đổ vào thị trường nội địa do các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn tại những nơi có triển vọng tăng trưởng tốt. Rủi ro từ các nền kinh tế mới nổi trong 6 tháng qua giảm.

Trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với mực độ nợ công cao, IMF dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục chảy sang các nước đang phát triển. IMF lưu ý các nước mới nổi nên chú trọng tăng năng lực hấp thụ vốn và cải thiện thị trường nội địa để có thể ứng phó được những nguy cơ tiềm ẩn từ lượng vốn đầu tư nước ngoài quá lớn.

Theo Doanh nhân Việt Nam