Bế mạc Hội nghị cấp cao Á - Âu lần 8

02:10, 06/10/2010

Hội nghị cấp cao Á - Âu lần 8 (ASEM 8) đã bế mạc tại Brussels (Bỉ) chiều 5-10, thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân” và “Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu”.

Hội nghị cấp cao Á - Âu lần 8 (ASEM 8) đã bế mạc tại Brussels (Bỉ) chiều 5-10, thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân” và “Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu”.

ASEM 8 đã diễn ra tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Brussels, Bỉ. (Nguồn: AP)
ASEM 8 đã diễn ra tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Brussels, Bỉ. (Nguồn: AP)
Hội nghị đã thông qua 16 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực, giao thông vận tải, quản lý rừng, nghiên cứu và phát triển nguồn nước, giáo dục... và nhất trí sẽ tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM.

Trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các nội dung quan trọng là tăng cường hiệu quả cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững, các thách thức toàn cầu, tình hình khu vực và các biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM.

Về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm tạo động lực mới cho hợp tác giữa hai châu lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và đồng đều, từ đó, khôi phục lòng tin của thị trường, nâng cao tính minh bạch và khả năng phục hồi của hệ thống tài chính, góp phần cải cách các thể chế tài chính quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng ở các nước đang phát triển.

Các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường các nguồn lực cho tăng trưởng, khuyến khích các mô hình phát triển bền vững hơn, khắc phục các nhân tố đã tạo ra sự yếu kém của hệ thống tài chính trong giai đoạn trước khủng hoảng, bao gồm nợ công quá cao và sự mất cân đối toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo khẳng định Sáng kiến Chiang Mai ở châu Á và các cơ chế ổn định tài chính ở châu Âu là những công cụ hữu ích trong hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn tài chính. Hội nghị cũng thảo luận nhiều biện pháp về cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Trong bối cảnh hậu khủng hoảng, phát triển bền vững trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Cấp cao lần này. Các nhà lãnh đạo đã trao đổi và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm phát triển bền vững, trong đó chú trọng ba nhân tố: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Các nhà lãnh đạo kêu gọi tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, chấm dứt các biện pháp bảo hộ và khẳng định quyết tâm sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha. Hội nghị cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế trong ASEM, triển khai hiệu quả các Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại, Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công Các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

ASEM cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường và khẳng định sẽ nỗ lực đóng góp cho thành công của Hội nghị toàn cầu về phát triển bền vững dự kiến tổ chức tại Brazil trong năm 2012.

Về các vấn đề toàn cầu như thiên tai, an ninh con người, chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, xung đột vũ trang... Hội nghị nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề này. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tăng cường hợp tác Á-Âu trong việc nâng cao năng lực phòng chống và phục hồi sau thiên tai.

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận các biện pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM, nâng cao đóng góp và vị thế của diễn đàn. Các nhà lãnh đạo khẳng định cần tiếp tục làm phong phú hơn các hoạt động giao lưu với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân hai châu lục, từ giới doanh nghiệp, truyền thông đến các nhà học giả, thanh niên, sinh viên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng tại các phiên họp của hội nghị cấp cao, đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra các đề xuất thiết thực về những vấn đề lớn của hội nghị.
Trong đó, Thủ tướng cho rằng hơn bao giờ hết, phát triển bền vững đang là nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia và đã trở thành yêu cầu mang tính toàn cầu.

Phát triển bền vững bao gồm ba thành tố: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là ba mặt của sự phát triển, có quan hệ chặt chẽ, tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau, không thể coi nhẹ mặt nào, trong đó con người là chủ thể và là trọng tâm của sự phát triển.

Thủ tướng đã đề xuất hai sáng kiến mới là tổ chức “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” và “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội”. Cả hai sáng kiến này được nhiều thành viên đánh giá cao.

Phát biểu về những diễn biến nổi bật ở hai châu lục, với vai trò chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2010, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN hiện đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững vào năm 2015

Hội nghị cũng hoan nghênh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 vào năm 2012.

Theo TTXVN và Tuoitreonline