Theo thông báo vừa phát đi của các công ty kinh doanh mặt hàng nhập khẩu, kể từ ngày 1/11 giá những mặt hàng như gas, thép, hàng điện tử…sẽ được điều chỉnh tăng mạnh, do giá nhập nguyên liệu lên cao.
Đi tiên phong trong việc tăng giá này là mặt hàng gas. Theo thông báo vừa phát đi chiều 31/10 của các công ty kinh doanh gas đầu mối trong nước, kể từ ngày 1/11 giá gas trong nước sẽ được điều chỉnh tăng thêm 25 nghìn đồng/bình 12kg.
Cụ thể, kể từ 7h30 phút ngày 1/1 giá gas trong nước sẽ được điều chỉnh tăng thêm 2.083 đồng/kg so với giá hiện hành, tương đương là 25 nghìn đồng/bình 12 kg (đã bao gồm VAT). Như vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của một bình gas 12 kg sẽ là 297 nghìn đồng/bình.
Theo ông Đỗ Trung Thành, Phó trưởng phòng kinh doanh của Công ty Saigon Petro, nguyên nhân của việc tăng mạnh giá mặt hàng này là do giá gas thế giới tháng 11/2010 tăng 92,50 USD/tấn lên tới mức 782,5 USD/tấn. Với mức giá nhập khẩu như vậy, sau khi cân nhắc và tính toán công ty đã điều chỉnh tăng thêm 25 nghìn đồng/bình gas 12 kg.
Cùng với gas, giá thép kể từ đầu tháng 11 cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 100 – 200 trăm đồng/tấn (tùy loại). Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ phổ biến ở mức từ 14,3 triệu đồng – 14,57 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Theo ông Trần Anh Vương, giám đốc công ty thép Bắc Việt, nguyên nhân chính của việc tăng giá bán thép là do giá mặt hàng này trên thế giới đã liên tục được điều chỉnh lên cao và hiện đang đứng ở mức trên 600 USD/tấn đối với phôi thép nhập khẩu và thép phế khoảng trên 400 USD/tấn.
Ngoài ra, việc tăng giá mạnh mẽ của đồng USD so với VND trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong việc mua bán và thanh toán hàng hóa. Vì vậy, buộc công ty phải đẩy giá lên cao để phù hợp với xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, mức tăng giá thế nào lại phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu của người tiêu dùng, ông Vương cho biết.
Bởi vì với sức tiêu thụ mặt hàng này như hiện nay, theo đánh giá của các công ty là tương đối chậm nên doanh nghiệp không thể đẩy lên quá cao. Nếu nâng giá lên quá cao, doanh nghiệp sẽ bán chậm và lượng hàng tồn kho sẽ nhiều, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh chung của các công ty, ông Vương chia sẻ.
Trước đó, tuy chưa thông báo tăng giá bán, nhưng một số sản phẩm nhập khẩu như máy tính xách tay, máy ảnh, máy nghe nhạc, xe máy…từ nước ngoài và hiện đang niêm yết bán bằng USD tại một số cửa hàng đã chính thức âm thầm tăng giá ngay sau khi giá USD được điều chỉnh tăng. Việc tăng giá này đã được tính bằng cách tất cả những khách hàng mua sản phẩm tại đây, đều đã được chủ cửa hàng áp dụng quy đổi giá USD tại thời điểm hiện tại.
Theo một chủ cửa hàng xe máy ở phố Bà Triệu, việc giá xe tăng thời điểm này là một điều dễ hiểu, đặc biệt các dòng xe tay ga nhập khẩu hạng sang (dòng xe mà khi nhập đa số đều được tính bằng USD), do vậy khi giá USD thay đổi mặt hàng này lập tức sẽ bị tác động. Hiện tại USD đã tăng từng ngày với mức khá cao, nên mỗi lần nhập hàng là một lần cửa hàng phải tiếp nhập biểu giá mới nên khi bán cửa hàng phải quy đổi theo tỷ giá USD nhưng là giá của thị trường tự do.
Theo một số doanh nghiệp, việc tăng giá của các mặt hàng nhập khẩu do tỷ giá USD đang là một mối đe dọa lớn đối với cân xuất nhập khẩu, tạo thêm áp lực đối với hoạt động của các doanh nghiệp và đây là điều cần được cảnh báo.
Điều này hoàn toàn hợp lý khi và dễ nhận thấy, khi gần đây có khá nhiều than phiền của doanh nghiệp rằng đồng nội tệ mất giá khiến giá nguyên liệu nhập khẩu quy ra VND tăng đáng kể.
Cụ thể qua một khảo sát mới đây của Ngân hàng HSBC, được thực hiện tại 17 thị trường, bao gồm các thị trường trọng yếu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Mỹ Latinh, Mỹ, Canada và Châu Âu, với 5.124 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tham gia. Việt Nam có 300 doanh nghiệp, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, có tới 78% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, biến động tỷ giá sẽ mang đến nhiều khó khăn nhất cho tăng trưởng xuất nhập khẩu, so với tỷ lệ 52% trong đợt khảo sát vào nửa đầu năm 2010.
Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát này, có tới 66% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, tỷ giá ngoại hối sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong 6 tháng tới, tăng hơn so với con số 53% của nửa đầu năm 2010. Thậm chí, tới 71% doanh nghiệp cho rằng, biến động tỷ giá ngoại hối là rào cản lớn nhất cho sự phát triển kinh doanh của họ.