Sau hàng tuần thảo luận gay gắt, ngày 15/12, Nghị viện châu Âu đã thông qua ngân sách 2011 với tỷ lệ phiếu 508/141.
Sau hàng tuần thảo luận gay gắt, ngày 15/12, Nghị viện châu Âu đã thông qua ngân sách 2011 với tỷ lệ phiếu 508/141.
Ngân sách năm 2011 trị giá 126,5 tỷ euro (168 tỷ USD), tăng 2,91% so với năm 2010, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,2% mà các nhà lập pháp mong muốn.
Cuộc tranh cãi bắt nguồn từ việc Thủ tướng Anh David Cameron ban đầu yêu cầu "đóng băng" ngân sách, nhưng sau đó đề xuất mức tăng tối đa 2,91% và đã lôi kéo một số chính phủ châu Âu về phía mình, trong đó có Pháp và Đức.
Những nước này cho rằng ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) không được tăng quá nhiều khi nhiều nước đang cắt giảm mạnh chi tiêu để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công.
Tuy nhiên, lập trường của Anh đã gây lo ngại cho một số nước EU nghèo hơn ở Trung và Đông Âu- những nước hưởng lợi chính từ nguồn vốn viện trợ khu vực của khối này để xây dựng đường sá, làm sạch môi trường, đào tạo nghề và các dự án khác.
Để đổi lấy mức tăng chi tiêu thấp hơn, các nghị sĩ muốn có các cuộc đàm phán về các biện pháp để EU tăng nguồn vốn của mình trong tương lai, trong đó có khả năng thu thuế EU trực tiếp.
Mặc dù ngân sách năm 2011 đã được thông qua, nhưng cuộc chiến về việc chi tiêu của EU sẽ còn gay gắt hơn vào năm tới khi các chính phủ châu Âu đàm phán về ngân sách dài hạn sắp tới của khối, từ năm 2014 và có thể kéo dài 7 đến 10 năm./.