Chính phủ đoàn kết dân tộc của Lebanon đã sụp đổ, sau khi Phong trào Hồi giáo Hezbollah cùng các đồng minh ngày 12/1 rút khỏi nội các do bất đồng kéo dài...
Thủ tướng Lebanon Saad Hariri (phải) và thủ lĩnh phái Hezbollah, Hassan Nasrallah. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Chính phủ đoàn kết dân tộc Lebanon được thành lập tháng 11/2009, gồm 15 bộ trưởng thuộc Liên minh 14/3 do Thủ tướng Saad Hariri đứng đầu và được Arập Xêút cũng như phương Tây ủng hộ, 10 bộ trưởng thuộc Liên minh 8/3 được Xyri và Iran ủng hộ và 5 bộ trưởng thân Tổng thống Suleiman.
Căng thẳng trong nội bộ chính quyền Beirut gia tăng khi có tin STL chuẩn bị công bố cáo trạng đối với một số thành viên Hezbollah liên quan vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Nhiều người lo ngại vấn đề này sẽ thổi bùng lên xung đột giữa người Hồi giáo dòng Shiite và dòng Sunni ở Lebanon.
Arập Xêút và Xyri bắt đầu thực hiện nỗ lực trung gian hòa giải các phái chính trị tại Lebanon từ tháng 8/2010, song liên minh Hezbollah ngày 11/1 tuyên bố nỗ lực này đã thất bại.
Động thái trên diễn ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Hariri đang ở thăm Mỹ trong nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ khủng hoảng chính trị trong nước. Tại cuộc hội đàm với ông Hariri ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Washington sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác lâu dài và sâu rộng với Beirut. Hai bên nhất trí "cần phải tránh bất cứ sự đe dọa hoặc hành động nào có thể dẫn tới mất ổn định".
Thủ tướng Hariri chưa đưa ra bình luận gì về động thái của Hezbollah, song ông đã cắt ngắn chuyến thăm Mỹ để sớm tới Pháp hội đàm với Tổng thống Nicolas Sarkozy. Tại Paris, Tổng thống Pháp trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Xyri Bashar al-Assad đã "khẳng định lại sự ủng hộ đối với chính quyền Lebanon."
Trong khi đó, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) ngày 12/1 cho biết Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Lebanon, đồng thời hối thúc tất cả các phe phái duy trì đối thoại và tôn trọng hiến pháp cũng như luật pháp Lebanon. Tổng Thư ký LHQ một lần nữa bày tỏ ủng hộ Tòa án Đặc biệt về Lebanon điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Hariri.
Cùng ngày, Ai Cập, Cata và Liên đoàn Arập (AL) đã lên tiếng kêu gọi các phe phái ở Lebanon kiềm chế, trong khi Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Hezbollah quay lại chính phủ, tránh đẩy quốc gia này vào vòng xoáy bạo lực./.