Cam-pu-chia và Thái Lan đọ súng ở vùng biên

11:02, 07/02/2011

Khoảng 8 giờ 10 phút (giờ địa phương) sáng 7-2, binh sĩ Cam-pu-chia và Thái Lan đã giao tranh trong khu vực Ta-sem, gần ngôi đền cổ Prếch Vi-hia tại vùng biên giới giữa hai nước. Đây là cuộc đụng độ  thứ năm giữa binh sĩ hai nước trong bốn ngày qua.

* Việt Nam kêu gọi hai bên kiềm chế

Khoảng 8 giờ 10 phút (giờ địa phương) sáng 7-2, binh sĩ Cam-pu-chia và Thái Lan đã giao tranh trong khu vực Ta-sem, gần ngôi đền cổ Prếch Vi-hia tại vùng biên giới giữa hai nước. Đây là cuộc đụng độ  thứ năm giữa binh sĩ hai nước trong bốn ngày qua. Cả hai bên đã sử dụng những vũ khí hạng nặng gồm rốc-két, súng máy, súng cối và pháo binh. Vụ giao tranh mới nhất này xảy ra chỉ một ngày sau khi các Tư lệnh quân đội Cam-pu-chia và Thái Lan đạt được thỏa thuận tránh để xảy ra thêm các đụng độ quân sự nhằm hạ nhiệt tình hình. Các vụ giao tranh từ ngày 4 đến ngày 7-2 đã làm hàng chục người của cả hai bên bị thương vong, trong đó có cả dân thường. Khoảng 10.000 dân làng của cả Cam-pu-chia và Thái Lan gần khu vực xảy ra đấu pháo đã phải đi sơ tán. Khu đền Prếch Vi-hia cũng bị hư hại nghiêm trọng.

             Quân đội Cam-pu-chia triển khai tại  khu vực đền Prếch Vi-hia. Ảnh: AP

Quân đội Cam-pu-chia triển khai tại  khu vực đền Prếch Vi-hia. Ảnh: AP

Quan hệ giữa Thái Lan và Cam-pu-chia đã trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây do liên quan đến tranh chấp lãnh thổ khi Cam-pu-chia từ chối gỡ bỏ quốc kỳ của nước này khỏi mặt tiền của chùa Wat Keo Sikha Kiri Svarak, tọa lạc trong khu vực tranh chấp rộng 4,6km2 xung quanh đền Prếch Vi-hia. Phát biểu tại một trường đại học ở Phnôm Pênh sáng 7-2, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen (Hun Sen) tuyên bố nước ông sẽ không gỡ bỏ quốc kỳ cắm trên mái chùa Wat Keo Sikha Kiri Svara vì chùa này nằm bên trong lãnh thổ Cam-pu-chia. Thủ tướng Hun Xen cũng cho hay, nước này sẽ đề nghị LHQ cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới "một vùng đệm" tại khu vực biên giới gần khu đền Prếch Vi-hia nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ mới giữa quân đội hai nước.

Ngày 7-2, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước xung đột xảy ra trong những ngày vừa qua tại khu vực đền Prếch Vi-hia trên biên giới giữa Cam-pu-chia và Thái Lan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói:

 “Cùng là thành viên của ASEAN, Việt Nam lo ngại sâu sắc về xung đột tại khu vực đền Prếch Vi-hia trên biên giới giữa Cam-pu-chia và Thái Lan. Việt Nam kêu gọi hai bên kiềm chế, tránh để sự việc diễn biến phức tạp, giải quyết vấn đề thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới”.

 

Trong khi đó, Phó thủ tướng Thái Lan Xu-thép Thau-xu-ban (Suthep Thaugsuban) ngày 7-2 cũng nêu rõ, Băng Cốc muốn đối thoại hòa bình với Phnôm Pênh. Báo điện tử Matichon của Thái Lan dẫn lời ông Xu-thép khẳng định, Chính phủ Thái Lan luôn để ngỏ các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp biên giới và sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng.

Căng thẳng biên giới trong những ngày qua giữa Cam-pu-chia và Thái Lan không chỉ giới hạn ở khu vực Prếch Vi-hia mà nay còn lan sang khu vực biên giới thuộc tỉnh Ô-đa Miên-chây. Trung tướng Lam Xam Rô-un (Lam Sam Roeun), Tư lệnh lực lượng vũ trang Hoàng gia Cam-pu-chia (RCAF) đóng tại cửa khẩu O’ Smach thuộc tỉnh Ô-đa Miên-chây cho biết, quân đội Thái Lan đã tăng thêm quân tới khu vực biên giới này trong hai ngày 5 và 6-2 và số quân Thái Lan hiện nay lên tới 700 người. Theo Tướng Rô-un, tình hình trong khu vực căng thẳng hơn, nhưng chưa xảy ra nổ súng. Tuy nhiên, quân đội Cam-pu-chia đang theo dõi chặt chẽ sự tăng quân và di chuyển của quân đội Thái Lan dọc khu vực biên giới này.

Trước nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa Cam-pu-chia và Thái Lan, ngày 7-2, Ngoại trưởng M. Na-ta-le-ga-oa (M. Natalegawa) của In-đô-nê-xi-a, trên cương vị là nước Chủ tịch ASEAN năm 2011, đã đến thủ đô Phnôm Pênh. Trong hai ngày ở Cam-pu-chia, ông Na-ta-le-ga-oa sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Hô Nam Hông (Hor Nam Hong), có cuộc gặp với Thủ tướng Hun Xen để hiểu rõ hơn về tình hình hiện nay trên biên giới chung giữa Cam-pu-chia và Thái Lan. Trong khi đó, LHQ và Mỹ đều đã lên tiếng kêu gọi Cam-pu-chia và Thái Lan kiềm chế ở mức tối đa, tránh để cuộc xung đột leo thang, hối thúc sớm hòa đàm để giảm bớt căng thẳng.

Phản ứng về động thái này của ASEAN, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan ra tuyên bố nói rằng, Chính phủ Thái Lan muốn đàm phán song phương để giải quyết vấn đề căng thẳng trên biên giới hai nước hơn là có sự trung gian hòa giải của ASEAN hoặc của cộng đồng thế giới.

Linh Oanh (QĐND)