Thủ tướng Iraq tự cắt giảm lương của mình

06:02, 07/02/2011

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki vừa thông báo sẽ trả lại một nửa lương hàng năm của mình vào công khố. Đây được xem như cách cho thấy ông không muốn trở thành nhân vật tiếp theo trong làn sóng biểu tình chống chính phủ đang lan rộng ở Trung Đông.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki vừa thông báo sẽ trả lại một nửa lương hàng năm của mình vào công khố. Đây được xem như cách cho thấy ông không muốn trở thành nhân vật tiếp theo trong làn sóng biểu tình chống chính phủ đang lan rộng ở Trung Đông.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki - Ảnh: AP
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki - Ảnh: AP


Đây là động thái được xem là gây ngạc nhiên lớn của ông Nouri al-Maliki, vì 5 năm lãnh đạo Iraq, ông chưa hề công khai thu nhập lương bổng của mình. Ông cho rằng việc ông trả lại lương là nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Nhưng ông al-Maliki dường như cũng muốn thu mình trước cơn giận dữ của người Iraq khi nền kinh tế đang èo uột, và thiếu điện liên miên.

Ông Al-Maliki đã tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 ở vị trí thủ tướng sau nhiều tháng thương lượng với các lực lượng chính trị năm 2010. Người ta cho rằng, mỗi năm, ông thu nhập ít nhất 360.000 USD.

"50% lương của tôi sẽ bị cắt giảm, bắt đầu từ bây giờ. Đây là phần đóng góp của tôi để giảm sự khác biệt giữa lương bổng của các công chức, và cũng hạn chế sự khác biệt về mức sống giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội” - ông al-Maliki tuyên bố.

Trước đó, những giáo sĩ dòng Sunni và Shiite đã cảnh báo chính phủ nếu để đói nghèo, áp bức, và tham nhũng trở thành điều bình thường trong xã hội thì sẽ chịu hậu quả của những cuộc nổi dậy đang lan tràn ở thế giới Arab hiện nay.

Tại Iraq cũng đã có những cuộc biểu tình nhỏ, phản đối tình trạng tham nhũng trong các lực lượng an ninh của chính phủ, nạn thất nghiệp lan tràn, thiếu điện nước ở các hộ dân.

Chính phủ Mỹ ước tính khoảng 30% dân Iraq thất nghiệp, mỗi hộ gia đình chỉ có nước và điện 3 tiếng/ngày vì thiếu hụt nguồn cung.

Wisam Sabir, nhà hoạt động xã hội 45 tuổi, cho rằng các vấn đề ở Iraq còn tồi tệ hơn các ở Arab láng giềng.

"Chúng tôi theo dõi tình hình ở Tunisia, nhưng các dịch vụ xã hội ở đó còn tốt hơn ở đây nhiều”.

"Cái nền dân chủ và tự do mà họ hứa hẹn cho chúng tôi ở đâu rồi? Đây chỉ là 1 chế độ độc tài khác mà thôi” – bà nói.

Theo K.L (Theo Reuters)