Chính quyền của Tổng thống Moammar Gaddafi hôm qua (4/3) đã đáp trả những người đối lập bằng một cuộc tấn công dữ dội vào thành phố Zawiya. Đây là nơi gần thủ đô Tripoli nhất và đang nằm trong tầm kiểm soát của phe biểu tình. Ít nhất 37 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Lực lượng của ông Gaddafi đã chiếm lại được một phần thành phố Zawiya nhưng phe nổi dậy cho biết họ đã chiếm được thành phố dầu mỏ ven biển Ras Lanuf, mở rộng thêm khu vực lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát được ở khu vực phía đông đất nước.
Chiến sự ngày một căng thẳng ở Libya đã cho thấy rõ, đất nước nhiều dầu mỏ ở Bắc Phi đang bị chia cắt thành 2 khu vực. Một vùng phía tây xung quanh thủ đô Tripoli đang nằm trong sự kiểm soát của các lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi. Trong khi đó, những người biểu tình đang nắm giữ khu vực phía đông.
Người biểu tình đang trốn chạy cuộc tấn công của các lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi. |
Theo lời Mohamed, các lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã dùng lựu đạn, súng máy hạng nặng và những tay bắn tỉa trên mái một khách sạn để bắn vào dòng người biểu tình đang đi trong thành phố Zawiyah nhằm kêu gọi ông Gaddafi từ chức.
Đến cuối ngày hôm qua, lực lượng nổi dậy ở thành phố Zawiyah đã phải rút lui nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát Quảng trường Martyrs trung tâm.
Một quan chức chính phủ Libya cho biết, thành phố Zawiyah đã sụp đổ. “Nó đã được giải phóng. Có thể, vẫn còn một số khu vực đang nằm trong tay phe nổi dậy nhưng dù sao thành phố này cũng đã được giải phóng".
Trong khi đó, ở phía đông, lực lượng nổi dậy cho biết họ đã chiếm được sân bay Ras Lanuf và sau đó giành được quyền kiểm soát cả thành phố dầu mỏ nằm trên đường bờ biển chiến lược kéo dài 660km từ thủ đô Tripoli này.
"Chúng tôi đã chiếm được hoàn toàn 100% thành phố Ras Lanuf. Tất cả lực lượng của ông Gaddafi đã phải chạy khỏi nơi này," một binh lính bên phe nổi dậy có tên là Hafez Ibrahim cho biết. Tuy nhiên, một Thứ trưởng Ngoại giao Libya đã bác bỏ thông tin trên, khẳng định chính phủ vẫn đang kiểm soát thành phố Ras Lanuf.
Hiện tại, lực lượng biểu tình đang nắm giữ phần lớn khu vực phía đông Libya, khu vực sản xuất dầu mỏ chính của đất nước.
Nhiều người tin rằng, Tổng thống Gaddafi khó có thể thành công trong việc giành lại các khu vực lãnh thổ đã mất vào tay người biểu tình bởi lực lượng này sẽ chống lại một cách quyết liệt. Cũng như vậy, phe đối lập Libya dường như cũng khó có thể tiến thêm vào khu vực phía tây đang nằm trong quyền kiểm soát của các lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi.
Những cuộc đụng độ đẫm máu diễn ra liên tục đã cho thấy cả phe thân và phe chống Tổng thống Gaddafi đều đang gia tăng các nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài 18 ngày qua ở đất nước Libya. Tuy nhiên, với việc hai bên tiếp tục ở thế giằng co thì tình trạng bế tắc ở đất nước Libya chắc chắn sẽ còn kéo dài. Cuộc nổi dậy ở Libya đến nay đã kéo dài 18 ngày, nhiều hơn ở Ai Cập. Trong khi Ai Cập đã lật đổ được Tổng thống Hosni Mubarak còn Libya vẫn ở trong tình trạng hỗn loạn.
Khủng hoảng nhân đạo?
Tình hình căng thẳng và hỗn loạn ở đất nước Libya đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới Tunisia – nơi hàng chục ngàn lao động nhập cư đã chạy trốn an toàn khỏi “địa ngục” Libya.
Tuy nhiên, Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc - UNHCR đang bày tỏ nỗi lo ngại về việc nhiều người muốn rời khỏi Libya, chạy sang Tunisi, có thể đang bị các lực lượng ủng hộ ông Gaddafi chặn lại. Nỗi lo ngại của UNHCR xuất phát từ sự sụt giảm đáng kinh ngạc số người chạy qua khu vực biên giới giữa Libya và Tunisi.
Trước đó, mỗi này có ít nhất 10.000 người tìm cách rời khỏi Libya bằng đường bộ qua biên giới. Tuy nhiên, con số này đã giảm đột ngột xuống còn chỉ chưa đến 2.000 người mỗi ngày từ hôm 3/3 đến nay.
"Nhiều trong số những người chạy khỏi được biên giới Libya đã tỏ ra rất sợ hãi và không dám nói bất kỳ điều gì," phát ngôn viên của UNHCR – bà Melissa Fleming cho biết.
"Chúng tôi tin là có điều gì đó – rất có thể họ đã bị dọa dẫm bằng cách nào đó", bà Flemming nói thêm.
Hàng chục ngàn người, hầu hết là dân lao động nhập cư, đã ùn ùn đổ về khu vực biên giới để tìm cách tháo chạy ra khỏi đất nước Libya kể từ khi cuộc nổi dậy của người dân nước này nổ ra. Điều này đang gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ủy ban trợ giúp nhân đạo của Liên minh Châu Âu đang đề nghị Libya cho phép được giúp những người nước ngoài còn đang mắc kẹt trong đất nước Libya.
(VnMedia)