Lúc 17g21 chiều nay (15g21 ngày 24-3 theo giờ VN), một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã làm rung chuyển tỉnh Miyagi và các khu vực phụ cận.
Lúc 17g21 chiều nay (15g21 ngày 24-3 theo giờ VN), một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã làm rung chuyển tỉnh Miyagi và các khu vực phụ cận.
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho hay tâm chấn của trận động đất này có độ sâu 36,8km, nằm cách thủ đô Tokyo 436km về phía đông bắc, cách Sendai 146km về phía đông bắc.
Cơn địa chấn tại trung tâm tỉnh Miyagi ở dưới mức 5/7 theo phân loại của Nhật Bản và ở mức 4 tại một số điểm ở các tỉnh Iwate, Miyagi và Akita.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho hay có sự thay đổi mực nước biển sau trận động đất này nhưng không gây thiệt hại.
Trước đó, sáng 24-3, lúc 8g56 (6g56 theo giờ VN), một trận động đất 4,9 độ Richter đã xảy ra ở vùng Kanto bao quanh thủ đô Tokyo, về phía nam tỉnh Ibaraki của Nhật Bản.
Trận động đất 8,9 độ Richter tàn phá Nhật Bản hôm 11-3 - Ảnh: BBC |
Kyodo dẫn thông báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết trận động đất dưới mức 5/7 theo phân loại của nước này. Không có thông báo sóng thần và thiệt hại sau động đất.
Ibaraki là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề sau trận động đất kinh hoàng ngày 11-3 và nằm về phía nam Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang gặp sự cố.
Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho hay lúc 9g35 (7g35 theo giờ VN) cũng xảy ra một trận động đất 4,6 độ Richter ngoài khơi gần bờ biển phía đông đảo Honshu. Tâm chấn nằm ở độ sâu 25,9km, cách Tokyo 509km về phía đông bắc.
Hết khói đen ở lò phản ứng số 3
Công ty Điện lực Tokyo cho hay lúc 4g50 sáng nay 24-3 (2g50 theo giờ VN), khói đen không còn phun ra từ lò phản ứng số 3 - nơi từng xuất hiện cột khói xám chiều tối 21-3.
Hiện nguyên nhân sự cố chưa được khẳng định nhưng mức phóng xạ không tăng ở khu vực này. Các công nhân nhà máy đang trở lại làm việc.
Bộ Khoa học Nhật Bản đã thu các mẫu đất, nước biển và không khí quanh khu vực nhà máy để kiểm nghiệm nồng độ phóng xạ.
Hôm 23-3, Công ty Điện lực Tokyo tiết lộ đã quan sát thấy tia neutron – một loại tia phóng xạ, ở khu vực Nhà máy hạt nhân Fukushima 1. Tia này nằm cách lò phản ứng số 1 và số 2 chừng 1,5km về phía tây nam trong vòng ba ngày từ hôm 13-3 và tương đương 0,01 – 0,02 microsievert/giờ, ở mức không gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Công ty này cho biết sẽ đo mức độ tập trung uranium và plutonium – các chất có thể phát thải tia neutron.
Tia neutron xuất hiện là minh chứng một lượng nhỏ uranium và plutonium đã rò rỉ khỏi các lò phản ứng của nhà máy và bể nhiên liệu đã qua sử dụng.
Năm 1999, một sự cố nghiêm trọng tại nhà máy xử lý nguyên liệu hạt nhân của Công ty JCO ở Tokaimura, tỉnh Ibaraki đã khiến uranium tan rã liên tiếp trong quá trình phân hạch, phát ra lượng lớn tia neutron.
Nhật Bản: 3 công nhân phơi nhiễm phóng xạ Hôm nay 24-3, Hãng tin Kyodo cho hay đã có ba công nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 được phát hiện phơi nhiễm phóng xạ, trong đó hai người phải nhập viện để điều trị.
Ông Hidehiko Nishikawa, phát ngôn viên của Cơ quan An toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản, cho biết những người này bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ 170 -180 millisievert vào hôm nay 24-3. Hai người nhập viện có dấu hiệu phơi nhiễm phóng xạ ở chân vì chân họ chạm phải nước trong khi đang kéo cáp điện. Ông Nishikawa nói nhiệt độ đang giảm ở các lò phản ứng số 1 và 3. Phơi nhiễm 100 millisievert/năm là mức độ thấp nhất có thể dẫn đến ung thư. |
Theo PHAN ANH (Tuổi trẻ online)