Thủ đô Libya rung chuyển bởi súng đại liên

02:03, 07/03/2011

Hôm nay (6/3), khắp thủ đô Tripoli của Libya vang lên tiếng nổ ầm ầm không ngớt của những khẩu súng máy tự động hạng nặng còn được gọi là súng đại liên. Đây là lần đầu tiên thành phố được xem là “cứ điểm” quan trọng và mạnh nhất của Tổng thống Muammar Gaddafi chìm trong tiếng súng liên tiếp như vậy kể từ khi cuộc nổi dậy bùng phát hôm 15/2.

Hôm nay (6/3), khắp thủ đô Tripoli của Libya vang lên tiếng nổ ầm ầm không ngớt của những khẩu súng máy tự động hạng nặng còn được gọi là súng đại liên. Đây là lần đầu tiên thành phố được xem là “cứ điểm” quan trọng và mạnh nhất của Tổng thống Muammar Gaddafi chìm trong tiếng súng liên tiếp như vậy kể từ khi cuộc nổi dậy bùng phát hôm 15/2.
 
Một chiến binh nổi dậy đang kiểm tra kho vũ khí bị phá hủy.
Một chiến binh nổi dậy đang kiểm tra kho vũ khí bị phá hủy.
Nhiều nhân chứng cho biết, họ nghe thấy tiếng nổ của những khẩu súng máy và các vũ khí hạng nặng rộ lên khắp thủ đô từ khoảng 5h45 sáng nay theo giờ địa phương (tức khoảng 10h45 trưa nay theo giờ Hà Nội. Không rõ lực lượng nào đã bắn súng và những tiếng nổ đó từ đâu ra.
 
Ông Mussa Ibrahim, một phát ngôn viên chính phủ Libya, khẳng định, không có cuộc giao tranh hay đụng độ nào xảy ra ở thủ đô. “Tôi bảo đảm với các bạn rằng không có bất kỳ cuộc đụng độ nào xảy ra ở đây. Tất cả đều an toàn. Thủ đô Tripoli 100% nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Những tiếng nổ vang rền mà các bạn nghe thấy là tiếng pháo hoa được bắn ăn mừng chiến thắng của chúng tôi. Người dân đang đổ ra đường, nhảy múa ở quảng trường”, ông Ibrahim cho biết. Tuy nhiên, ông này vẫn cảnh báo: "Tôi muốn khuyên các bạn không nên đến thủ đô vì sự an toàn của bản thân”.
 
Khác với tuyên bố chắc nịch nói trên của ông Ibrahim, hai người dân thủ đô cho biết họ nghe thấy tiếng súng nổ liên tiếp ở khu vực xung quanh sân bay. Một người dân có tên là Rawad tin rằng tiếng súng mà họ nghe được là từ các cuộc giao tranh chứ không phải ăn mừng.
 
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở thủ đô Tripoli khi cuộc nổi dậy của hàng ngàn người dân nước này nổ ra vào giữa tháng 2. Tuy nhiên, sau các cuộc đàn áp mạnh tay người biểu tình, thủ đô Tripoli hiện tại đang nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. Thành phố này được coi là “cứ điểm” chính của Tổng thống Gaddafi khi ông này đang nỗ lực tái khẳng định quyền kiểm soát đất nước trước lực lượng nổi dậy đang chiếm giữ được phần lớn phía đông đất nước và một số thành phố phía tây gần thủ đô Tripoli.
 
Lực lượng nổi dậy đang ở thế thượng phong?
 
Tình hình ở đất nước Libya hiện giờ đang ở thế giằng co giữa quân nổi dậy và quân chính phủ. Hai bên đều liên tục đưa thông báo rằng mình đang giành ưu thế trước phe đối thủ. Đài truyền hình trung ương Libya đưa tin, các lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn một số thành phố từ tay quân nổi dậy.
 
Trong khi đó, quân nổi dậy vẫn tiếp tục thông báo chiếm thêm được nhiều thành phố và đang tiếp tục tiến về phía tây.

Ngược lại với thông tin quân chính phủ giành lại được thành phố quan trọng Zawiyah nằm cách thủ đô Tripoli chỉ khoảng 50km về phía tây, các lực lượng nổi dậy khẳng định họ vẫn đang ở trong thành phố này. Các chiến binh của họ vẫn đang bám trụ trên các nóc nhà và kiểm soát những chốt chặn trên các đường phố đi vào trung tâm thành phố Zawiyah. Tuy nhiên, quân nổi dậy thừa nhận, họ đang phải chuẩn bị để đối mặt với một cuộc tấn công khác bằng đạn pháo và xe tăng của quân chính phủ trong ngày hôm nay.
 
Ở phía đông, lực lượng nổi dậy cho biết, họ đang tiến về phía tây để đến đánh chiếm Sirte, thành phố quê hương được bảo vệ rất nghiêm ngặt của ông Gaddafi.
 
Trước đó, sau khi chiếm được thành phố cảng quan trọng Ras Lanuf trong các cuộc giao tranh ác liệt ngày 4/3, quân nổi dậy đã tiến vào và chiếm đóng thêm được thành phố Bin Jawad, cách Sirte khoảng 160km. Và trong không khí vui mừng, phấn khởi vì giành được quyền kiểm soát hầu hết khu vực phía đông của đất nước Bắc Phi nhiều dầu mỏ này, quân nổi dậy đã tiến đến Sirte.
 
Cho đến thời điểm này, quân nổi dậy đã tiến được đến làng Nawfaliyah, chỉ còn cách thành phố Sirte khoảng 80km.
 
"Chúng tôi sẽ tấn công Sirte. Chúng tôi không có một tổ chức và không có kế hoạch quân sự. Chúng tôi đi bất kỳ đâu chúng tôi thấy cần," một thành viên của lực lượng nổi dậy có tên là Mohamed Salim cho biết.
 
Tuy nhiên, nhiều người đang tỏ ra lo ngại về khả năng giành chiến thắng của quân nổi dậy ở thành phố Sirte. Trong khi quân nổi dậy nhanh chóng chiếm được nhiều thành phố phía đông do vấp phải rất ít sự kháng cự thì ở Sirte mọi việc sẽ không dễ dàng như vậy. Đây là thành phố lâu nay vẫn nhận được sự ưu đãi lớn của Tổng thống Gaddafi. Nhà lãnh đạo Libya rất thích tổ chức các hội nghị quốc tế và Ả-rập ở thành phố ven biển này.
 
Sirte cũng là nơi có một căn cứ không quân lớn và có rất nhiều lực lượng quân sự trung thành với Tổng thống Gaddafi đóng tại đây. Chưa hết, Sirte còn là thành phố chứa một lượng lớn trữ lượng dầu mỏ của Libya.
 
Điểm yếu của quân nổi dậy
 
Trong khi quân nổi dậy dường như đang giành được ưu thế trước quân chính phủ thì nhiều nhà phân tích tỏ ra không mấy tin tưởng về khả năng giành chiến thắng của quân nổi dậy. Lý do là, quân nổi dậy hiện đang chiếm ưu thế được là nhờ vào tinh thần của những người biểu tình đang được kích thích cao độ. Những yếu tố quan trọng khác như người lãnh đạo hay kỷ luật quân sự họ đều thiếu.

Cho đến nay, phe đối lập vẫn chưa xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo dẫn dắt rõ ràng, có đủ sức thuyết phục. Đây là điểm yếu mà ông Gaddafi đang hy vọng sẽ lợi dụng được trong cuộc đối đầu với lực lượng biểu tình.
 
Ngoài ra, nhiều người còn lo ngại về sự hạn chế của một lực lượng “hổ lốn” được tạo nên từ những người lính đào ngũ từ phe của Tổng thống Gaddafi và những người tình nguyện chỉ có lòng nhiệt tình mà không hề có kinh nghiệm chiến đấu.
 
Với tình trạng quân nổi dậy và quân chính phủ tiếp tục ở thế giằng co, các cuộc giao tranh cứ tiếp diễn và kéo dài, chắc chắn sẽ có thêm nhiều dân thường Libya thiệt mạng. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đã có hơn 1.000 chết trong các cuộc bạo loạn ở Libya.

Theo VNmedia