Thái Lan và Cam-pu-chia lại giao chiến ở vùng biên

11:04, 22/04/2011

Khoảng 6 giờ sáng 22-4, một cuộc giao tranh giữa binh lính Thái Lan và Cam-pu-chia đã nổ ra tại  đền Ta Môn Thôm và đền Ta Cra-bếch, thuộc khu vực biên giới hai nước. Trận giao tranh đã chấm dứt vào trưa cùng ngày. Hai ngôi đền trên cách ngôi đền cổ Prếch Vi-hia đang tranh chấp giữa hai nước khoảng 160km.

Khoảng 6 giờ sáng 22-4, một cuộc giao tranh giữa binh lính Thái Lan và Cam-pu-chia đã nổ ra tại  đền Ta Môn Thôm và đền Ta Cra-bếch, thuộc khu vực biên giới hai nước. Trận giao tranh đã chấm dứt vào trưa cùng ngày. Hai ngôi đền trên cách ngôi đền cổ Prếch Vi-hia đang tranh chấp giữa hai nước khoảng 160km.

 

Người phát ngôn Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Cam-pu-chia, ông Phay Xi-phan (Phay Siphan) cho biết, giao tranh nổ ra khi quân đội Thái Lan đột nhập sâu từ 300m đến 500m vào khu vực Cam-pu-chia tuyên bố chủ quyền. Theo ông Niết Vong (Neak Vong), Phó tư lệnh binh chủng 42 của Cam-pu-chia tại đền Ta Môn Thôm, trong cuộc giao tranh nói trên, hai bên đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trong đó có cả rốc-két, súng máy, súng cối và pháo. 

 

Tờ Bangkok Post dẫn lời  Phó phát ngôn viên của Lục quân Thái Lan Xi-ri-chan Nga-thông (Sirichan Ngathong) cho biết, 4 binh sĩ Thái Lan đã thiệt mạng và 8 binh sĩ khác bị thương. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia Chum Xô-chít (Chhum Socheat) thông báo, 3 binh sĩ Cam-pu-chia đã thiệt mạng và 6 binh sĩ khác bị thương trong giao tranh. Cuộc đụng độ cũng khiến 10.000 người dân ở khu vực lân cận phải sơ tán.

 

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cam-pu-chia Hô Nam-hông (Hor Namhong) đã gửi thư lên Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ, Thái Lan “tấn công vào lãnh thổ Cam-pu-chia bằng nhiều loại vũ khí”. Bức thư cũng nhấn mạnh rằng, Cam-pu-chia đã kiềm chế tối đa và bày tỏ thiện chí giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nhưng bảo lưu quyền tự vệ trước “những hành động hiếu chiến của Thái Lan”.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan A-bi-xít Vây-gia-gi-va (Abhisit Vejjajiva) tuyên bố, binh sĩ Thái Lan không xâm lược và không khơi mào cuộc chiến. Ngoại trưởng Thái Lan Ca-xít Pi-rôm (Kasit Piromya) đã gửi một bức thư phản đối việc Cam-pu-chia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên và yêu cầu Cam-pu-chia “không được vi phạm chủ quyền Thái Lan”. Bên cạnh đó, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan, Tướng Xong-kít-ti Gia-ga-ba-ta-ra (Songkitti Jaggabatara) đã đặt tất cả các lực lượng vũ trang nước này trong tình trạng báo động cao. Tướng Xong-kít-ti Gia-ga-ba-ta-ra cũng ra lệnh cho chỉ huy các lực lượng lục quân, không quân và hải quân triển khai các kế hoạch trực chiến cấp II để bảo vệ đất nước và sẵn sàng chiến đấu nếu tình hình biên giới leo thang.

 

Trước diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Cam-pu-chia và Thái Lan, ASEAN đã kêu gọi hai bên chấm dứt sử dụng vũ lực. Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a, ông M.Na-ta-lê-ga-oa (M. Natalegawa), nêu rõ với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN, In-đô-nê-xi-a yêu cầu Cam-pu-chia và Thái Lan ngừng ngay các hành động thù địch và giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Theo ông Na-ta-lê-ga-oa, việc sử dụng vũ lực không thể chấp nhận được trong khuôn khổ quan hệ của các nước thành viên ASEAN.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước xung đột xảy ra giữa Thái Lan và Cam-pu-chia ngày 22-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói:

“Là láng giềng của cả Thái Lan, Cam-pu-chia và cùng là thành viên ASEAN, một lần nữa Việt Nam mong muốn hai bên hết sức kiềm chế, tránh xung đột vũ trang, tiếp tục giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Chúng tôi kêu gọi Cam-pu-chia và Thái Lan nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết tại cuộc họp không chính thức các Ngoại trưởng ASEAN tại Gia-các-ta ngày 22-2-2011, không để tình hình diễn biến phức tạp”.

 

Theo Bảo Anh (QĐND)