Ngày 14/4, phát biểu tại Viện Brookings ở thủ đô Washington của Mỹ, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cảnh báo mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng thế giới vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm và bất bình đẳng về thu nhập.
Biểu tình phản đối thất nghiệp gia tăng ở Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Việc thiếu các cơ hội kinh tế ở quá nhiều nước trên thế giới có thể dẫn đến những hành động phi sản xuất, bất ổn định chính trị , thậm chí xung đột. Tăng trưởng kinh tế không tạo ra nhiều việc làm và thành quả phát triển không được phân chia rộng rãi và công bằng có nguy cơ tạo ra cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế.
Theo số liệu của IMF, thất nghiệp trên thế giới đang ở mức kỷ lục.
Khủng hoảng kinh tế đã làm 30 triệu người mất việc làm cùng với 200 triệu người trên toàn cầu đang tìm việc làm. Khủng hoảng việc làm có nguy cơ làm mất cả một thế hệ vì nó đặc biệt tác động nặng nhất đến thanh niên trong khi ở nhiều nước, sự bất bình đẳng trong thụ hưởng thành quả phát triển cũng đang ở mức kỷ lục.
Giám đốc IMF kêu gọi các nước cải tổ khu vực tài chính để tăng đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ, động lực chủ chốt để tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Các chính sách tăng trưởng cần đặc biệt hướng tới thị trường lao động, phối hợp đồng bộ với giáo dục đào tạo để lao động thất nghiệp dễ thích nghi với nền kinh tế đang thay đổi.
IMF cũng đặc biệt coi trọng khía cạnh xã hội trong các chương trình tín dụng của IMF hỗ trợ các nước duy trì hệ thống an sinh xã hội cho người nghèo và hỗ trợ chia sẻ bình đẳng các thành quả phát triển./.