Từ một cậu bé mồ côi gốc Việt, ông Philipp Rösler đã thẳng tiến lên chiếc ghế Phó Thủ tướng Đức – vị trí quyền lực thứ hai của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.
Ông Philipp Rösler |
Bà Merkel đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các hôm 12/5 theo đề nghị của những người thuộc Đảng Dân chủ Tự do – một đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của bà. Theo đó, ngoài việc trở thành Phó Thủ tướng Đức, ông Rösler đã tiếp nhận vai trò Bộ trưởng Kinh tế từ người tiền nhiệm Rainer Brüderle. Trước đây, ông Rösler là Bộ trưởng Y tế Đức.
Sự thăng tiến của ông Rösler được xem là một hiện tượng trên chính trường Đức. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông liên tiếp được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng, từ Bộ trưởng Y tế đến Bộ trưởng Kinh tế và Phó Thủ tướng. Hiện tại, Phó Thủ tướng Rösler mới chỉ 38 tuổi. Theo lời tân Phó Thủ tướng Đức, ông sẽ chỉ ở trên cương vị Chủ tịch Đảng FDP, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trong nội các Đức trong 7 năm nữa. Đây không phải là giới hạn tuổi do đảng của ông đặt ra mà ông tuyên bố sẽ rời chính trường và làm việc khác khi 45 tuổi.
Từ cậu bé mồ côi...
Ông Rösler không chắc chắn về ngày sinh của mình. Trên giấy tờ ghi ông sinh ngày 24/2/1973. Tuy nhiên, đây không phải là con số chính xác.
Ông Rösler sinh ra ở tỉnh Khánh Hoà, miền Nam Việt Nam. Cha mẹ ông được cho là đã bị thiệt mạng trong chiến tranh. Một người nào đó đã đưa cậu bé Rösler vào trại mồ côi ở Sài Gòn. Khi được 9 tháng tuổi, một cặp vợ chồng người Đức đã nhận cậu bé Rösler làm con nuôi và đưa cậu sang Đức.
Khi trở thành Bộ trưởng Y tế Đức năm 2009, một phóng viên đã đặt câu hỏi: "Có bao nhiêu phần Châu Á trong con người ông?". Ông Rösler đã trả lời: “Đôi mắt bé, chiếc mũi tẹt và mái tóc đen." Theo lời kể của ông Rösler, ông đã có một tuổi thơ hết sức bình thường như bao nhiêu đứa trẻ Đức khác. Khi lên 4 tuổi, bố mẹ nuôi của Rösler ly dị. Ông đã lớn lên cùng người cha làm việc trong quân đội. Sau này, bản thân ông Rösler cũng trở thành một người lính.
Sau khi học ngành y ở trường Y khoa Hanover, ông trở thành một bác sĩ trong quân đội và làm công việc này cho đến năm 2003.
Sự nghiệp chính trị của ông Rösler ban đầu chỉ dừng lại ở một vài vị trí tình nguyện trong đảng FDP. Tuy nhiên, sau đó, con đường sự nghiệp của ông thăng tiến một cách nhanh chóng bất ngờ. Rösler gia nhập đảng FDP năm 1992 và tham gia vào đội ngũ lãnh đạo đảng này năm 2005. Một năm sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Đảng FDP vùng Lower Saxony. Tháng 2 năm 2009, ông được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Y tế, Lao động và Giao thông Vận tải của bang Lower Saxony và sau đó trở thành nhân vật số hai của bang này.
Rösler là một chính khách có tài ăn nói và giao tiếp bẩm sinh. Ông không phải là người tham vọng, tham danh vọng, địa vị. Rösler ban đầu mê ngành y bởi vì ông muốn làm một công việc được giao tiếp với nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế, khi làm việc, ông thấy rằng, có quá nhiều công việc giấy tờ và ông ít có thời gian chữa trị cho các bệnh nhân.
"Tôi đã nói với mình: đã lên lúc mình nên thẳng tiến vào chính trường để loại bỏ những luật lệ ngu ngốc," ông Rösler đã cho biết như vậy một cuộc trả lời phỏng vấn.
.... đến chiếc ghế Phó Thủ tướng
Vốn là một người đàn ông của gia đình, ông Rösler thực ra đã hài lòng với việc trở thành nhân vật số hai của bang Lower Saxony. Ông đáng ra đã ở lại Hanover cùng người vợ Wiebke, cũng là một bác sĩ, và hai cô con gái sinh đôi 2 tuổi.
Tuy nhiên, đảng FDP của ông đã giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm 2009. Với tư cách là một thành viên trong bộ máy lãnh đạo quốc gia của đảng FDP kể từ năm 2005, ông Rösler đã được bầu vào vị trí Bộ trưởng Y tế.
Ông Rösler trở thành Bộ trưởng Y tế Đức khi mới 36 tuổi. Ông là người Châu Á đầu tiên được lựa chọn vào một trong các vị trí Bộ trưởng trong Nội các Đức và cũng là vị bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này.
"Câu chuyện cổ tích của một đứa trẻ mồ côi trở thành Bộ trưởng” là dòng tít lớn được đặt trang trọng ở trang đầu của nhiều tờ báo bán chạy nhất của Đức trong thời điểm đó.
Vị trí Bộ trưởng Y tế dường như phù hợp với một người xuất thân từ ngành y nhưng đây thực chất là một chiếc ghế nóng với những khoản ngân sách lớn và những nhân vật vận động hành lang đầy ảnh hưởng nhằm tranh giành khoản tiền này.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông Rösler vấp phải những chỉ trích từ các đồng nghiệp bác sĩ, từ ngành công nghiệp dược phẩm, từ công chúng về những cắt giảm trong dịch vụ y tế và phí bảo hiểm cao hơn. Tuy nhiên, ông đã đảm nhiệm vị trí người đứng đầu ngành y tế Đức khá tốt. Ông Rösler thừa nhận: “Vị trí Bộ trưởng Y tế là công việc khó khăn nhất mà tôi từng làm”.
Về vị trí Chủ tịch Đảng FDP, ông Rösler tỏ ra rất ngần ngại tiếp nhận vị trí này từ ông Guido Westerwelle, một người thầy của ông trong nhiều năm. Ông Rösler từng nói: "Nếu tôi cảm thấy chính trị làm tổn thương gia đình tôi, tôi sẽ từ bỏ ngay lập tức".
Các đồng minh chính trị miêu tả ông Rösler là một người “thông minh và sáng suốt". Ông Rösler đã từng cùng vợ về thăm quê hương Việt Nam một lần vào năm 2006.