Bệnh nhân đầu tiên chữa khỏi bệnh AIDS đã xuất hiện

11:06, 05/06/2011

Anh Timothy Ray Brown 45 tuổi, bệnh nhân AIDS đầu tiên được chữa khỏi, đã thường xuyên xuất hiện trước công chúng nửa tháng trở lại đây, như một minh chứng sống về hi vọng có thể chấm dứt dịch bệnh này.

Anh Timothy Ray Brown 45 tuổi, bệnh nhân AIDS đầu tiên được chữa khỏi, đã thường xuyên xuất hiện trước công chúng nửa tháng trở lại đây, như một minh chứng sống về hi vọng có thể chấm dứt dịch bệnh này.

Anh Timothy Ray Brown - Ảnh: AP
Anh Timothy Ray Brown - Ảnh: AP
Báo Los Angeles Times cho biết cách đây hai tuần, Timothy đã xuất hiện và phát biểu tại một hội nghị do Quỹ Nghiên cứu AIDS Hoa Kỳ tổ chức.

Anh Timothy sinh ra tại Seattle. Anh công khai mình đồng tính vào năm 18 tuổi, sau đó bắt đầu những chuyến đi tại châu Âu. Khi dừng chân ở Đức và làm công tác biên dịch tại Berlin, Timothy lần đầu tiên biết mình bị nhiễm HIV vào năm 1995. Lúc đó anh còn bị thêm chứng ung thư máu. Tuy vậy, anh vẫn gắng gượng tồn tại đến năm 2006 bằng việc uống thuốc kháng virus mỗi ngày.

 

Câu chuyện của Timothy như một phép lạ và nhanh chóng lan rộng, đặc biệt trong cộng đồng khoa học quốc tế. Tròn 30 năm ngày khám phá ra virus HIV, các nhà khoa học quyết tâm tìm kiếm phương pháp loại trừ virus HIV. Họ có niềm tin vào điều này vì sự phát triển của khoa học và một phần vì phải giải quyết bài toán kinh phí. Tại những nước đang phát triển, việc chăm sóc cho các bệnh nhân AIDS đã tốn 13 tỉ USD mỗi năm và con số này có thể tăng gấp 3 trong vòng 20 năm tới.

"Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, việc tìm ra cách điều trị cho căn bệnh thế kỉ này càng trở nên cấp thiết. Chúng ta phải tìm chiến lược dài hạn", bà Francoise Barre Sinoussi là nữ khoa học gia đã nhận giải Nobel 1983 cho công trình phát hiện ra virus HIV nói.

Năm 2006, anh đến tìm gặp tiến sĩ Gero Huetter, một chuyên gia về ung thư máu tại đại học Y khoa Berlin. Tiến sĩ Hutter đã đề ra một giải pháp: diệt sạch toàn bộ hệ thống miễn dịch của Timothy bằng bức xạ và sau đó ghép tủy để hồi phục lại hệ miễn dịch. Việc ghép tủy đã được tiến hành vào năm 2007.

Tháng 12-2010: trong một bản báo cáo tóm lược, tiến sĩ Hutter và các đồng nghiệp đã thông báo tin kì diệu: bằng cách sử dụng phương pháp trên, tủy của một người hiến trong tổng số 230 mẫu đã chuyển vào trong hệ miễn dịch của Timothy một loại gen khác lạ và có thể kháng cự lại với virus HIV. Anh Timothy không những không còn bị ung thư máu mà còn thoát khỏi sự đe dọa của "thần chết" AIDS.

Phương pháp điều trị của Timothy chưa được công khai để áp dụng rộng rãi do sự phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro và giá cả đắt đỏ.

Và một yếu tố tiên quyết khác là phải tìm được người hiếm hoi sở hữu gen kháng cự với virus HIV, vì theo tiến sĩ Hutter thì tỉ lệ những người sở hữu gen này chỉ chiếm 10% khu vực Bắc Âu.

Thậm chí hồi năm ngoái, tiến sĩ Robert Gallo ở đại học Maryland đã nói "phương pháp này có thể giết người"

Tuy vậy, đối với Timothy, anh vui mừng khi được đóng vai trò "chất xúc tác" trong quá trình thể nghiệm điều trị AIDS. Hiện tại anh sống ở San Francisco và không còn phải uống thuốc chống virus mỗi ngày. "Thật là kì diệu. Tôi đã mắc hai căn bệnh nguy hiểm nhất nhưng tôi đã hoàn toàn loại bỏ được chúng", anh nói.

Theo TẤN KHOA TTO ( Los Angeles Times, Reuters)