Chính phủ Campuchia và Thái Lan đã lên tiếng chấp thuận, tôn trọng phán quyết của ICJ về rút binh sỹ hai nước khỏi biên giới tranh chấp.
Ngôi đền cổ Preah Vihear - tâm điểm tranh chấp biên giới Campuchia-Thái Lan. (Nguồn: Reuters) |
Tuyên bố của Chính phủ Campuchia nêu rõ Phnom Penh "hoàn toàn ủng hộ phán quyết của ICJ. Phán quyết này đã hoàn toàn đáp ứng được nguyện vọng của Campuchia nhằm biến khu vực Đền Preah Vihear thành một khu vực hòa bình với sự hiện diện của các quan sát viên ASEAN để đảm bảo một thoả thuận ngừng bắn. Phán quyết này cũng bảo đảm các hoạt động dân sự bình thường tại khu vực trên."
Tuyên bố cũng cho biết Chính phủ Campuchia hy vọng Chính phủ Thái Lan sẽ tuân thủ phán quyết của ICJ và rằng Phnom Penh đã sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các quan sát viên Indonesia đến giám sát tại khu vực.
Thái Lan cũng tuyên bố sẽ tuân thủ phán quyết của ICJ. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho biết Bangkok "hài lòng" với quyết định của ICJ yêu cầu cả hai nước phải rút quân khỏi Đền Preah Vihear.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Pravit Wongsuwan nói rằng Thái Lan sẵn sàng tham vấn với Campuchia nếu Phnom Penh đề nghị, tuy nhiên các cuộc thương lượng sẽ chỉ được thực hiện sau khi Thái Lan có chính phủ mới.
Ngày 18/7, ICJ - tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, đã ra lệnh yêu cầu Thái Lan và Campuchia phải rút hết binh sỹ của hai nước hiện đang đóng tại khu vực tranh chấp ở xung quanh ngôi đền cổ nằm trên biên giới giữa hai nước, tạm biến vùng này thành khu phi quân sự.
ICJ cũng yêu cầu Thái Lan và Campuchia phép các quan sát viên do ASEAN chỉ định được quyền tiếp cận khu vực phi quân sự tạm thời kể trên để quan sát việc thực thi ngừng bắn.
Cùng ngày, Chính phủ Mỹ một lần nữa kêu gọi Thái Lan và Campuchia giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước một cách hoà bình sau khi có phán quyết của ICJ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heide Bronke Fulton, nói: "Mỹ trước sau như một kêu gọi Campuchia và Thái Lan tiếp tục đối thoại trong khi kiềm chế tối đa nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai nước và tăng cường ổn định trong khu vực."
Bà Fulton cũng bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực của Indonesia, nước hiện đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2011, nhằm làm trung gian hoà giải cho hai nước thành viên trong khối ASEAN này.
Hồi tháng Tư vừa qua, Campuchia đã gửi kiến nghị lên ICJ, yêu cầu làm rõ phán quyết năm 1962 của tòa án này liên quan đến Đền Preah Vihear 900 năm tuổi, đồng thời yêu cầu tòa áp dụng các biện pháp tạm thời trước khi ra phán quyết, bao gồm việc Thái Lan lập tức rút quân khỏi khu vực tranh chấp xung quanh đền và cấm mọi hoạt động quân sự tại đây.
Trước đó, vào năm 1962, ICJ phán quyết Đền Preah Vihear thuộc Campuchia, song cả Phnom Penh và Bangkok đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng 4,6km2 xung quanh ngôi đền.