Các quốc gia ở Đông Phi đang phải trải qua mùa hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua. Trước tình trạng này, Liên hợp quốc đã kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế đối với 9 triệu người dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu ăn nghiêm trọng.
Cuộc sống của 9 triệu người dân Đông Phi đang bị đe dọa bởi nạn đói (Ảnh: NHK) |
Cơ quan điều phối nhân đạo Liên hợp quốc cho biết, hồi đầu năm nay, dịch bệnh bùng phát do hạn hán đã khiến 5000 gia súc chết tại Marsabit, Kenya. Khoảng 10.000 người chăn nuôi gia súc Somali đã phải lánh nạn sang Kenya, trong khi đó, khoảng 30.000 vật nuôi và 10.000 người chăn nuôi đã di cư từ Kenya sang Uganda.
Tại Somali – nơi các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp tục giữa lực lượng chính phủ và các chiến binh hồi giáo, hàng trăm người đã chết đói. Trong khi đó, nhiều người dân Somali đã phải tị nạn sang nước láng giềng Kenya và Ethiopia. Liên hợp quốc đã dành một khu lều trại cho người tị nạn Somali ở Ethiopia với sức chứa 20.000 người.
Một khảo sát ở khu vực Juba thuộc nam Somali cho thấy, mức độ suy dinh dưỡng cấp tính được ghi nhận ở mức 30%, tăng gấp đôi ngưỡng khẩn cấp. Trong khi đó, tỷ lệ này được ghi nhận ở đông bắc Kenya là 25% và ở Djibouti là 20%.
Lĩnh vực giáo dục ở Đông Phi cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc, với việc ngày càng gia tăng số lượng học sinh và giáo viên phải di cư để tìm kiếm nguồn lương thực và nước uống. Tại Somali, hơn 400 trường học đã phải đóng cửa từ tháng 12/2010, làm ảnh hưởng tới 55.000 học sinh. Tại Ethiopia, khoảng 58.000 học sinh đã phải bỏ học giữa chừng.
Trước tình hình này, Liên hợp quốc đã kêu gọi các khoản tiền trợ giúp của cộng đồng quốc tế để cung cấp nguồn lương thực và thuốc men cần thiết, tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan này mới chỉ nhận được khoảng 40% mục tiêu đề ra.
Ngày 6/7, tại New York, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, số tiền hỗ trợ thêm nữa là rất cần thiết để các tổ chức đẩy mạnh hoạt động cứu trợ tại khu vực Đông Phi./.