Weheleey Osman Haji đặt tên đứa con mới chào đời của cô là Iisha, có nghĩa là “sự sống”. Đứa bé ra đời ở thị trấn biên giới Liboi giữa Somalia và Kenya. Nhưng cô bé đang chết dần vì đói.
Một đứa trẻ đói đến mức chỉ còn da bọc xương ở Mogadishu, Somalia - Ảnh: Reuters |
12 triệu người đói
Mới đây, Trung Quốc đã cam kết viện trợ khẩn cấp lương thực trị giá 90 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD). Canada hứa sẽ cung cấp 72 triệu USD viện trợ. Đức cam kết tăng gấp đôi khoản viện trợ ban đầu từ 15 triệu euro lên 30 triệu euro (43,12 triệu USD), cộng thêm 32 triệu euro thông qua Liên minh châu Âu (EU). Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama, trong một cuộc gặp với nguyên thủ các nước châu Phi, khẳng định Mỹ quan tâm đến nạn đói ở châu Phi và kêu gọi sự hỗ trợ trên toàn cầu.
Nạn hạn hán trầm trọng trải dài khắp Kenya, Ethiopia, Djibouti và Somalia suốt nửa năm qua khiến khoảng 12 triệu người trong vùng lâm vào cảnh thiếu ăn. Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), tại nam Somalia 30% trẻ em bị suy dinh dưỡng và mỗi ngày cứ 10.000 trẻ thì có bốn em chết vì thiếu ăn.
Kể từ đầu năm 2011, mỗi ngày khoảng 15.000 người Somalia chạy vào các trại tị nạn ở Kenya và Ethiopia tìm kiếm thức ăn và nước uống. Trại Dadaab ở Kenya đã quá tải nghiêm trọng với 400.000 người chen chúc trong tình trạng sống dở chết dở.
Các nỗ lực cứu trợ của cộng đồng quốc tế diễn ra khá chậm chạp. Ngày 28-7, LHQ đã chuyển khẩn cấp 10 tấn thức ăn dinh dưỡng cứu đói cho trẻ em ở thủ đô Mogadishu của Somalia. “Chúng ta cần phải mở rộng quy mô của các chương trình cứu trợ, đặc biệt là những chương trình cung cấp dưỡng chất để ngăn trẻ em thiệt mạng vì suy dinh dưỡng” - người phát ngôn Chương trình lương thực LHQ (WFP) Stephanie Savariaud nói.
Theo WFP, điều quan trọng lúc này là các chuyến bay chở hàng cứu trợ phải sớm đến được các vùng khác của Somalia. LHQ thừa nhận không thể cung cấp hàng cứu trợ cho khoảng 2,2 triệu người cần lương thực vì tình hình bất ổn chính trị ở Somalia. Hầu như toàn bộ lãnh thổ đang nằm trong sự kiểm soát của các nhóm quân nổi dậy vũ trang Hồi giáo, lớn nhất là nhóm Al Shabab. Chính quyền chỉ kiểm soát hạn chế tại Mogadishu.
Lỗi của ai?
Ông Gunter Nooke, đặc phái viên châu Phi của Chính phủ Đức, cáo buộc Trung Quốc đã góp phần gây ra nạn đói ở Đông Phi do thời gian qua Bắc Kinh mua ồ ạt đất nông nghiệp châu Phi, đặc biệt ở Ethiopia. Theo ông Nooke, tiền bán đất rơi vào tay một nhóm nhỏ những kẻ ở tầng lớp trên trong khi lẽ ra đất đai có thể được sử dụng hữu ích hơn bằng cách đầu tư cho phát triển hạ tầng nông nghiệp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc từ châu Âu. Dù vậy, tạp chí Mỹ Foreign Policy xác định trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư lớn vào đất nông nghiệp tại châu Phi do lo ngại về an ninh lương thực trong nước. Một nghiên cứu của các tổ chức nông lương hàng đầu thế giới năm 2009 cho biết có khoảng 1 triệu người Trung Quốc hoạt động trong ngành nông nghiệp đang làm việc tại châu Phi.
Nhưng Trung Quốc không phải là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều đất duy nhất ở xứ Đông Phi màu mỡ. Hàng loạt công ty tư nhân Ấn Độ, Mỹ và các nước vùng Vịnh đã “ngốn” 15-20 triệu ha đất nông nghiệp Đông Phi, tương đương với tổng diện tích đất nông nghiệp Pháp, trong giai đoạn 2006-2009.
Tình trạng khan hiếm đất canh tác gây ra nạn đói, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Sự bi thảm ở Đông Phi còn xuất phát từ sự bàng quan của các nước lớn vì mối bận tâm duy nhất về Somalia là cuộc chiến chống khủng bố, cướp biển và dầu mỏ.
Chính quyền sở tại cùng các tổ chức Hồi giáo cực đoan vũ trang phải chịu trách nhiệm vì đẩy đất nước vào tình trạng xung đột triền miên. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và tình trạng gia tăng dân số làm nạn đói thêm trầm trọng.
(dịch từ Guardian, Reuters)