"Kinh tế thế giới trước giai đoạn nguy hiểm hơn"

01:08, 14/08/2011

Thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới "nguy hiểm hơn" với rất ít "chỗ thở" tại hầu hết các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang tiếp tục hoành hành châu Âu.

Thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới "nguy hiểm hơn" với rất ít "chỗ thở" tại hầu hết các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang tiếp tục hoành hành châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick. (Nguồn: Getty Images)
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick. (Nguồn: Getty Images)
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã cảnh báo như vậy trong bài trả lời phỏng vấn báo Weekend Australia về triển vọng kinh tế thế giới.

Theo ông Zoellick, các vấn đề nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đáng lo ngại hơn cả những vấn đề trung và dài hạn tại Mỹ - nền kinh lớn nhất thế giới vừa bị hãng xếp hạng tín dụng Standard and Poor's hạ mức tín nhiệm hồi tuần trước, làm các thị trường trên toàn cầu hoảng loạn.

Ông Zoellick khẳng định thế giới đang ở giai đoạn đầu của một cơn bão mới, không giống như năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu.

Trong hai tuần qua, thế giới đã đi từ giai đoạn phục hồi không đồng đều (các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao, trong khi các thị trường phát triển vẫn phải vật lộn với những khó khăn) sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Ông Zoellick cho rằng mặc dù người dân ít bị nợ nần hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và những diễn biến hiện nay không có yếu tố "gây sốc bất ngờ" tương tự, song lần này khả năng xử lý đã "eo hẹp" hơn.

Theo ông Zoellick, cơ cấu kinh tế khu vực đồng euro có thể bộc lộ những khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Các thị trường tài chính toàn cầu trở nên hỗn loạn trong tuần qua một phần do những tin đồn xung quanh việc Pháp có thể bị hạ mức đánh giá tín dụng và hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực đồng euro là Italy và Tây Ban Nha có thể theo chân Hy Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, khiến nguy cơ khu vực này tan rã ngày càng hiện hữu.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang đặt câu hỏi về khả năng Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, có thể tiếp tục bảo lãnh các khoản nợ cho các quốc gia khác mà không bị đánh tụt vị trí xếp hạng tín dụng hàng đầu cũng như không trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)