Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có nguy cơ lan rộng khiến các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đau đầu tìm giải pháp hữu hiệu để tránh thảm họa đồng euro bị đẩy đến bước đường cùng và Eurozone tan rã!
Theo mạng tin toàn cầu IPS, “thời vàng son” của đồng euro ra đời từ năm 1999, coi như đã chấm dứt, gây thất vọng cho 332 triệu người thuộc 17 nước tham gia khu vực đồng euro trong 27 nước thành viên EU.
Các nhà phân tích kinh tế và các học giả châu Âu cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone đang đe dọa nền kinh tế các nước thành viên Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và sớm muộn cũng gây phương hại cho các nước đang phát triển. Tình trạng các thị trường bị thu hẹp và khả năng cắt giảm viện trợ phát triển sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 có thể tái diễn.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ hiện nay tại Eurozone không tập trung vào nợ tiêu dùng mà là nợ của chính phủ. Biện pháp quyết liệt nhất không loại trừ việc buộc những nước như Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha tự nguyện rút khỏi Eurozone để tránh gây ra “thảm họa domino” cho đồng euro! Nguy cơ vỡ nợ tại Hy Lạp là rất lớn với khoản nợ công tới 370 tỉ euro, trong khi nợ của Ý bằng 120% GDP.
Chuyên gia kinh tế Simon Tilford của Trung tâm cải cách châu Âu tỏ ra bi quan với nhận xét: “Một khi Hy Lạp, Ý hoặc Tây Ban Nha rời khỏi Eurozone, xu hướng tan rã của khu vực đồng tiền chung này là không thể ngăn chặn”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cảnh báo: “Ngăn chặn Hy Lạp vỡ nợ lúc này còn quan trọng hơn thúc đẩy EU tăng trưởng!”.
Không thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, Eurozone đã phải cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, IMF không tỏ ra mặn mà với yêu cầu chính đáng của Eurozone khiến báo La Stampa của Ý phải than phiền: “Cuộc họp thường niên ngày 23-9 của IMF là phiên tòa xét xử EU trên ghế bị cáo”. Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, cũng cảnh báo nguồn tài chính của IMF hiện nay chỉ có 384 tỉ USD, không đủ đáp ứng nhu cầu vay của các nước sắp vỡ nợ ở châu Âu.
Để tránh thảm họa đau đớn, các nước Eurozone đã lập Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỉ euro nhằm cứu trợ các nước thành viên tránh nguy cơ vỡ nợ. Tính đến ngày 30-9, đã có 13 trong tổng số 17 nước thành viên đồng ý mở rộng EFSF với mức tối đa là 2.000 tỉ euro.
Các nước kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) cũng được mời tham gia chương trình cứu trợ Eurozone vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có phản ứng đầu tiên với tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa họp tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh: “EU phải tự mình dọn dẹp nhà cửa trước khi kêu gọi sự trợ giúp”.
Dường như giới chính trị đã hiểu ra rằng thời gian không hoàn toàn ủng hộ các nước Eurozone và giờ đây không phải là lúc tranh cãi ai đúng ai sai mà phải cùng nhau hành động trước khi tình hình trở nên quá muộn. EU phải tìm được “liều thuốc cấp cứu” khủng hoảng nợ để trình Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Cannes (Pháp) vào tháng 11 tới. Từ nay đến đó, nếu Hy Lạp hoặc thành viên nào khác vỡ nợ thì Eurozone sẽ không còn cơ hội cứu vãn!