(LĐ online) - Châu Âu sẽ không giải ngân 8 tỷ Euro tiếp theo để cứu trợ Hy Lạp cho đến khi cuộc trưng cầu dân ý của nước này về thỏa thuận cứu trợ hoàn tất.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã được triệu tập để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngay trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes để giải thích về quyết định bất ngờ của ông về việc trưng cầu dân ý .
Động thái này đã gây hỗn loạn trên thị trường ngày thứ Ba 1/11, và không được các lãnh đạo châu Âu đồng ý.
Cuộc họp hai ngày của những người đứng đầu chính phủ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới chính thức khai mạc vào hôm nay, thứ năm 3/11 tại Cannes.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bay đến Pháp tối hôm thứ Tư 2/11. Người đầu tiên mà ông sẽ gặp là Tổng thống Sarkozy vào sáng ngày 3/11.
Trong khi đó, có tin rằng Anh sẵn sàng ủng hộ việc IMF tăng quỹ cứu trợ đồng euro.
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức trước đó đã kêu gọi ông Papandreou giữ đúng cam kết và quyết định liệu Hy Lạp có ở lại khu vực đồng euro hay không.
Thủ tướng Papandreou xác nhận sau cuộc đàm phán rằng cuộc trưng cầu dân ý nhằm quyết định liệu nước ông có nên ở lại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không.
"Tôi tin rằng có một sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân Hy Lạp ... và người dân Hy Lạp sẽ lên tiếng," ông nói.
Trước đó, khoản cứu trợ mới nhất đã được đồng ý giải ngân vào giữa tháng 11.
Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, thì khủng hoảng tài chính sẽ lây lan vì các nhà đầu tư và những người gửi tiền ngân hàng bình thường ở các nước khác trong khu vực cũng sẽ lo sợ chính phủ của họ sẽ theo chân Hy Lạp.
Ngày càng có nhiều lo ngại về việc vỡ nợ gây hỗn loạn. Bồ Đào Nha và Ireland có thể theo bước Hy Lạp và chúng ta cũng có thể thấy các nền kinh tế như Ý đang phải gánh chịu chi phí vay mượn ngày càng tăng.
Nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, thì nước này sẽ phải quay trở lại với đồng tiền của mình và đồng tiền này sẽ mất giá trị rất nhiều so với đồng euro.
Thủ tướng Đức Merkel cho biết các lãnh đạo khu vực châu Âu vẫn muốn Hy Lạp nằm trong khối, nhưng nhấn mạnh rằng quyết định của chính phủ Hy Lạp đang đe dọa gây mất ổn định trong khu vực. "Về tổng thể, đồng euro cần phà̉i ổn định ", bà nói. "Chúng tôi muốn làm được điều này cùng với Hy Lạp hơn là không có nước này. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu là ổn định."