Cảnh sát đụng độ người biểu tình trong phong trào "Chiếm phố Wall" sau khi họ chiếm một cảng đông đúc tại Mỹ và gây tê liệt giao thông tại một thành phố hôm nay.
Cảnh sát đụng độ người biểu tình trong phong trào "Chiếm phố Wall" sau khi họ chiếm một cảng đông đúc tại Mỹ và gây tê liệt giao thông tại một thành phố hôm nay.
Hàng nghìn người biểu tình tràn vào cảng Oakland, bang California vào ngày 3/11. Ảnh: AFP. |
CNN đưa tin hàng nghìn người biểu tình tràn vào cảng Oakland tại bang California khiến mọi hoạt động trong cảng tê liệt. Oakland là cảng lớn thứ năm của Mỹ và sự tê liệt của nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng. Hơn 200 cảnh sát được điều động tới cảng. Những người biểu tình bắn pháo hoa và ném đá, buộc cảnh sát phải phun hạt tiêu và hơi cay để trấn áp.
“Mọi hoạt động đã bị hủy và ban quản lý cảng đã hỗ trợ các công nhân về nhà an toàn. Chúng tôi sẽ chỉ khôi phục hoạt động khi tình hình trở nên an toàn”, một thông báo của cảng Oakland nêu rõ.
Bạo động tại cảng Oakland bùng phát sau khi các cửa hàng, siêu thị trong thành phố đồng loạt đóng cửa bởi cuộc biểu tình hòa bình hôm qua.
Tại bang Washington, vài trăm người biểu tình bao vây một khách sạn trong thành phố Seattle, nơi tổng giám đốc điều hành của hãng JPMorgan Chase diễn thuyết trong một sự kiện do Đại học Washington tổ chức. Họ phản đối việc JPMorgan Chase nhận 25 tỷ USD trong gói cứu trợ của chính phủ Mỹ vào năm 2008. Sự hiện diện của đám đông khiến các phương tiện cơ giới không thể di chuyển vào giờ cao điểm.
Giới chức điều động cảnh sát chống bạo động tới hiện trường để giải tán đám đông. Sau khi vấp phải sự chống cự của người biểu tình, cảnh sát xịt hạt tiêu về phía họ.
Jeff Kappel, một cảnh sát, nói rằng 5 người biểu tình bị bắt do xâm nhập trái phép một ngân hàng trong một cuộc biểu tình khác tại Seattle. Ít nhất 10 cảnh sát bị tấn công khi cố gắng đẩy người biểu tình ra khỏi ngân hàng.
Phong trào biểu tình Occupy Wall Street (Chiếm phố Wall) bắt đầu từ ngày 17/9, khi một số người dựng trại để phản đối ngay trước Thị trường Chứng khoán New York. Họ thể hiện sự tức giận trước nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ, cũng như sự phẫn nộ đối với "giới doanh nghiệp tham lam".Từ Mỹ làn sóng biểu tình đã lan sang nhiều nước khác.