Thủ tướng Hy Lạp bất ngờ từ chức

10:11, 08/11/2011

Các chính đảng lớn của Hy Lạp đã nhất trí tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 19/2/2012. Việc này được thông báo tối 6/11 sau khi Thủ tướng George Papandreou chấp nhận từ chức tại cuộc hội đàm với lãnh đạo phe đối lập Antonis Samaras và Tổng thống Karolos Papoulias để bàn về chính phủ liên minh (liên hiệp).

Các chính đảng lớn của Hy Lạp đã nhất trí tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 19/2/2012. Việc này được thông báo tối 6/11 sau khi Thủ tướng George Papandreou chấp nhận từ chức tại cuộc hội đàm với lãnh đạo phe đối lập Antonis Samaras và Tổng thống Karolos Papoulias để bàn về chính phủ liên minh (liên hiệp).

Theo đó, một chính phủ liên minh sẽ được thành lập để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm. Nhưng theo đài truyền hình quốc gia TV NET của Hy Lạp đưa tin, cuộc gặp giữa Tổng thống Karolos Papoulias với lãnh đạo tất cả các chính đảng Hy Lạp hôm 7/11 để chỉ định chính phủ mới đã bị hủy bởi đảng Syriza từ chối tham gia cuộc gặp kể trên vì cho rằng, tân chính phủ không được thành lập thông qua chế độ bầu cử, do đó sẽ không có quyền lực chính trị.

Điều này đồng nghĩa với việc danh sách nội các mới sẽ được công bố sau cuộc thương lượng giữa lãnh đạo phe đối lập Antonis Samaras và Thủ tướng George Papandreou. Trong nhiều tuần qua, lãnh đạo phe đối lập Antonis Samaras đã yêu cầu tổ chức bầu cử trước thời hạn để đảng của ông ủng hộ kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ Hy Lạp.

Điều đáng nói là tuy ông Antonis Samaras ủng hộ gói cứu trợ của EU (bao gồm khoản vay 130 tỉ euro và thỏa thuận xóa 50% khoản nợ  210 tỉ euro), nhưng phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ, đồng thời lên án các chính sách của Thủ tướng George Papandreou.

Theo giới truyền thông, chính phủ mới có nhiệm vụ thực thi các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ mà EU đã nhất trí với Hy Lạp hôm 27/10. Theo đó, Hy Lạp phải siết chặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách. Được biết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos vẫn giữ nguyên vị trí lãnh đạo và ông đã gặp đại diện của đảng Dân chủ mới để thảo luận về khung thời gian thành lập chính phủ liên minh nhằm giúp Athens thông qua một thỏa thuận cứu trợ cần thiết, tránh nguy cơ vỡ nợ.

Thủ tướng George Papandreou và ông Antonis Samaras.
Thủ tướng George Papandreou và ông Antonis Samaras.
Giới truyền thông cho rằng, chính phủ liên minh có thể do Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Lukas Papademos, Thanh tra viên châu Âu Nikiforos Diamandouros hoặc cựu Ủy viên châu Âu Stavros Dimas lãnh đạo. Được biết, đồng euro đã ngừng giảm giá so với USD sau khi Thủ tướng George Papandreou chấp nhận từ chức để thành lập chính phủ liên minh. Khoảng 9h05 ngày 7/11 (theo giờ Tokyo), đồng euro giao dịch ở mức 1,3794 USD/euro, tăng so với 1,3792 USD/euro tại New York cuối tuần trước.

Ngày 6/11, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo sẽ ngưng mua trái phiếu của chính phủ Italia nếu nước này không thực hiện cải cách tài chính như đã hứa. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Luxembourg kiêm thành viên Hội đồng quản lý của ECB Yves Mersch đưa ra cảnh báo này khi trả lời phỏng vấn của tờ La Stampa, đồng thời nhấn mạnh, sửa chữa sai lầm của các chính trị gia không phải việc của ECB.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng, kế hoạch cải cách ngân sách hiện nay của Italia thiếu tin cậy và IMF sẽ giám sát cẩn trọng tình hình này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jose Manuel Barroso thông báo, một phái đoàn của EU sẽ đến Rome trong tuần này để thực hiện công tác giám sát. Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết, chính phủ của ông không có ý định đóng góp vào quỹ cứu trợ cho châu Âu và trong tương lai, châu Âu còn rất nhiều việc phải làm để khôi phục niềm tin và tăng trưởng kinh tế.

Dư luận đang chú ý tới dự báo của ngân hàng hàng đầu của Pháp là Societe Generale (SocGen), theo đó các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ rơi vào suy thoái năm 2012 và tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Trung Quốc có khả năng yếu hơn. Trước đó (6/11), Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management khi trả lời phỏng vấn Telegraph cũng cho rằng, các nước khu vực Eurozone sẽ ngày càng cảm thấy việc ở trong khu vực này kém hấp dẫn...

Giới chuyên môn cũng quan tâm tới thông báo của Bộ Tài chính Nhật Bản: Nợ công của nước này sẽ vượt ngưỡng 1 triệu tỷ yên (khoảng 12.810 tỷ USD) vào cuối tài khóa 2011. Các khoản vay thông qua việc phát hành trái phiếu quốc gia và những khoản vay ngân hàng sẽ lên tới 1,024 triệu tỷ yên vào cuối tháng 3/2012, cao hơn con số dự báo ban đầu của Bộ Tài chính. IMF ước tính, tổng nợ công của Nhật Bản (kể cả các chi phí an sinh xã hội) hiện đã lên tới 1,054 triệu tỷ yên, tương đương 220% GDP của năm 2010
 
Theo Báo CAND