Dấu ấn các đời Tổng thống Nga

07:03, 12/03/2012

Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, đất nước Nga đã trải qua 3 đời Tổng thống. Mỗi đời  tổng thống đều đã để lại những ấn tượng khó quên không chỉ với người dân Nga mà với cả người dân trên khắp thế giới.

Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, đất nước Nga đã trải qua 3 đời Tổng thống. Mỗi đời  tổng thống đều đã để lại những ấn tượng khó quên không chỉ với người dân Nga mà với cả người dân trên khắp thế giới.
 
Tổng thống Boris Yeltsin và di sản gây tranh cãi

 
Ông Boris Yeltsin là tổng thống dân bầu đầu tiên của nước Nga. Được đánh giá là chính trị gia có tư tưởng cải cách song ông Yeltsin đã để lại một di sản gây nhiều tranh cãi.
 
Ông Yeltsin được coi là cha đẻ của nền dân chủ ở Nga nhưng cũng bị xem là người đóng vai trò quyết định trong sự tan rã của Liên bang Xô viết oai hùng một thời. Sau sự tan rã của Liên Xô, người dân nước Nga đã rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Vì thế, nhiều người dân xứ sở Bạch Dương có cái nhìn không mấy tích cực về nhà lãnh đạo Yeltsin. Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm thăm dò dư luận Levada được thực hiện năm 2006, chỉ 9% dân Nga đánh giá tích cực về cựu Tổng thống Yeltsin, 33% có cái nhìn bình thường về ông, trong khi đánh giá ông tiêu cực có tới 55% người được hỏi. Trong số này, 49% muốn ông phải chịu trách nhiệm do việc làm tan rã Liên bang Xô viết.
 
Ông Mikhail Gorbachev, từng là đối thủ của cựu Tổng thống Yeltsin, nhận xét, Yeltsin là người "gánh trên vai những sự kiện trọng đại nhất của quốc gia và cả những lỗi lầm to lớn nhất".
 
Thời của ông Yeltsin bắt đầu từ tháng 6/1991 khi ông đắc cử chức Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử lịch sử đầu tiên ở nước này kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô. Với khát khao cháy bỏng được “chứng kiến cuộc sống của nhân dân Nga cải thiện", ông Yeltsin đã nỗ lực thực hiện một loạt các cải cách để đưa nước Nga bước sang một nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, có vẻ như việc vực dậy một nước Nga đang bị nhấn chìm trong khó khăn bởi một nền nghiệp quân sự cồng kềnh, nền kinh tế suy nhược, môi trường bị tàn phá, hệ thống y tế và giáo dục kém hiệu quả, là nhiệm vụ quá sức đối với ông Yeltsin.
 
Trong thời gian cầm quyền kéo dài gần 10 năm của mình, ngoài việc thực hiện được một số cải cách như xóa bỏ được sự kiểm duyệt của chính quyền với báo chí, cho phép công chúng chỉ trích chính quyền, đưa Nga tiến đến thị trường tự do và tạo ra một tầng lớp doanh nhân trẻ mới, cựu Tổng thống Yeltsin không làm được gì nhiều để cải thiện cuộc sống của người dân mà tình hình có vẻ còn tồi tệ hơn. Lạm phát lan tràn, người nghèo nghèo hơn, những kẻ cơ hội, có đặc quyền phất lên nhanh chóng trong khi tình trạng tội phạm bùng lên khắp nơi. Cựu Tổng thống Yeltsin cũng không thành công trong việc thiết lập một khung chính trị và kinh tế cần thiết cho một nước Nga phát triển vững vàng.
 
Dù là một nhà cải cách nhiệt huyết và tận tâm song sau gần 10 năm không vực dậy được nước Nga, ông Yeltsin đã phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng của người dân. Và kỷ nguyên của ông đã chấm dứt bằng bài phát biểu từ chức đầy bất ngờ của ông vào đêm giao thừa năm 1999. Cũng trong bài phát biểu từ chức này, ông Yeltsin đã tuyên bố tặng một món quà năm mới cho dân Nga: Đó là sự chuyển giao quyền lực của ông cho Thủ tướng Vladimir Putin – một chính khách hầu như không có chút tiếng tăm gì vào thời đó. Tuy nhiên, việc giới thiệu ông Putin vào vị trí Tổng thống Nga chính là một trong những di sản lớn nhất của cựu Tổng thống Yeltsin.
 
Tổng thống Vladimir Putin – niềm tự hào của nước Nga
 

Nói không ngoa, Tổng thống Vladimir Putin chính là niềm tự hào của nước Nga. Ông là vị Tổng thống để lại dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử nước Nga thời hiện đại và cái tên của ông chắc chắn sẽ còn được nhắc đến mãi mãi sau này.
 
Sau hai nhiệm kỳ tổng thống kéo dài từ năm 2000 đến năm 2008, ông Putin đã để lại một di sản đáng nể mà ít nhà lãnh đạo thế giới nào có thể làm được. Ông đã vực dậy một nước Nga kiệt quệ thành một nước Nga hùng mạnh, khôi phục được sự tự tin trong nước và khẳng định vị thế của đất nước trên chính trường thế giới.
 
Khi ông Putin nhậm chức Tổng thống Nga vào năm 2000, nước Nga khi đó đang ở bên bờ vực của sự sụp đổ. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước Nga chìm trong những cuộc xung đột, những cú sốc tài chính và cảnh nghèo đói xuất hiện khắp nước Nga. Cuộc khủng hoảng ở Nga đã leo đến đỉnh điểm năm 1998 khi đồng rúp sụp đổ và nước Nga buộc phải chấp nhận sự cứu giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Đó là cái nhìn bao quát về một nước Nga mà ông Putin tiếp quản năm 2000.
 
Nhiệm vụ của tân Tổng thống Putin lúc đó là phải vực dậy nước Nga mà phương Tây xem là sắp biến mất trên bản đồ thế giới – một nhiệm vụ được nhiều người lúc đó coi là bất khả thi. Tuy nhiên, ông Putin đã làm được và hơn nữa là làm rất tốt.
 
Nhờ hàng loạt những chính sách kinh tế đúng hướng, nền kinh tế Nga đã liên tục tăng trưởng cao dưới "thời Putin" với tỷ lệ tăng trưởng năm 2000 đạt 10%, và trong các năm sau đó luôn đạt từ 6,5 đến 7,3%. Kinh tế dần phục hồi sau khủng hoảng và tăng trưởng đều là yếu tố chính giúp cho đời sống người dân Nga ngày càng ổn định và nâng cao hơn. Tầng lớp trung lưu ở nước này tăng đáng kể, chiếm đến 1/5 tổng số dân.
 
Tuyệt vời hơn, 8 năm sau, không chỉ thanh toán hết các khoản nợ khổng lồ của nước ngoài, Nga còn có khoản thặng dư ngân sách khá lớn. Đồng rúp thì ổn định và thậm chí còn được đánh giá là đồng tiền dự trữ tiềm năng. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng. Số lượng tỉ phú Nga đứng trong hàng top 5 của thế giới.
 
Một người dân Nga từng phát biểu: "Cuộc sống đã trở nên ngọt ngào hơn đối với nhiều người. Nói chung là mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn." Có thể nói, người dân Nga không có lý do gì để không hài lòng với thực tại hiện nay.
 
Có lẽ một trong những thành tựu quan trọng nhất của Tổng thống Putin khi còn đang tại vị chính là việc ông đã vực dậy niềm tự hào dân tộc cho người dân Nga. Lịch sử sẽ đánh giá ông Putin là một nhà Khôi phục Vĩ đại, một vị Cứu tinh của nước Nga. Nếu như người dân Nga ở những năm 1990 cảm thấy xấu hổ về đất nước đang suy sụp, khủng hoảng mọi bề của mình thì lúc này giới trẻ Nga hầu hết đều thể hiện niềm tự hào về dân tộc mình và về vị lãnh đạo Putin xuất chúng của họ. Tổng thống Putin đã đem đến một sự phục hồi kinh tế nhanh đến mức không ngờ, dựng lên một nhà nước quyền lực, đem nước Nga trở lại sân khấu chính trị thế giới cũng như vực dậy niềm tự hào dân tộc Nga.
 
Nếu như cách đây 8 năm, các nước phương Tây coi như không còn nước Nga chứ đừng nói đến là một cường quốc Nga và thậm chí nhiều người dân Nga cũng nghĩ giống như họ thì nay chính Putin đã làm thay đổi điều đó. Nga đã trở lại chính trường thế giới với vị thế của một cường quốc mạnh, dám đối đầu với cả những nước như Mỹ, Anh... Nga đã tham gia vào giải quyết các vấn đề lớn của toàn cầu với tiếng nói riêng rất có trọng lượng. Bản thân Thủ tướng Tony Blair đã phải công nhận: "nước Nga dưới thời Putin đã mạnh lên rất nhiều, khiến thế giới phải tính đến phản ứng của họ trong mọi vấn đề, dù là vấn đề nhỏ nhất".
 
Với những thành tích như trên, sẽ là một điều dễ hiểu khi ông Putin rời điện Kremlin sau hai nhiệm kỳ cầm quyền với uy tín lên cao đến mức kỷ lục, gần 85%. Và cũng rất dễ hiểu khi mới đây, ông lại giành chiến thắng thuyết phục để quay trở lại điện Kremlin dẫn dắt nước Nga.
 
Tổng thống Dmitry Medvedev – di sản vượt qua khủng hoảng
 
Dù không nổi tiếng bằng “người thầy” Putin, Tổng thống Dmitry Medvedev cũng đã để lại dấu ấn rõ nét trong một nhiệm kỳ kéo dài 4 năm vừa qua của ông.
 
Thừa hưởng di sản lớn từ người tiền nhiệm, Tổng thống Medvedev đã thành công trong việc tiếp tục dẫn dắt nước Nga theo con đường phát triển ổn định và củng cố tiếng nói của Nga trên trường quốc tế. Có lẽ di sản lớn nhất của ông Medvedev trong thời gian cầm quyền chính là ông đã chèo lái thành công đất nước Nga vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính khủng khiếp của thế giới. Nga là một trong số ít các nước có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này với những hậu quả để lại chỉ ở mức tối thiểu.
 
Trong năm vừa rồi, Nga đã đạt mức mức lạm phát thấp nhất trong lịch sử - dưới 7%, chỉ số tăng trưởng GDP gần 4%, vượt trên tốc độ phục hồi của hầu hết các nước hàng đầu thế giới. Nợ quốc gia Nga duy trì ở mức tối thiểu. Nga đã trở thành nền kinh tế thứ sáu trên thế giới. Không chỉ đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, Tổng thống Medvedev còn tích cực thực hiện các cải cách, hiện đại hóa nền kinh tế. Ông cũng chính là người bắt tay vào việc xây dựng một phiên bản Thung lũng Silicon của Nga. .

Tổng thống Medvedev cũng để lại một dấu ấn đầy ấn tượng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Dù bề ngoài có vẻ hiền lành nhưng Tổng thống Medvedev lại là người rất quyết liệt. Ông đã thực hiện rất nhiều chính sách mạnh tay nhằm tiêu diệt tận gốc nạn tham nhũng – một trong những vấn đề được ông coi là lớn của nước Nga. Tính riêng trong nửa đầu năm 2011, đã có hơn 3.000 quan chức Nga bị truy tố trách nhiệm về tham nhũng.
 
Trên mặt trận đối ngoại, ông Medvedev cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Ông đã kiềm chế được một Gruzia “nổi loạn”, làm chậm quá trình mở rộng về phía đông của NATO, ngăn chặn Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS tham gia vào quá trình này. Ông Medvedev cũng đã thành công trong việc điều chỉnh quan hệ Mỹ - Nga, quan hệ Nga - châu Âu, củng cố sự tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục củng cố hình ảnh, tiếng nói Nga trên trường quốc tế.
 
Tổng thống Medvedev được nhận xét là một người thông minh, sắc sảo và giao tiếp tốt. Giấu sau vẻ bề ngoài điềm đạm và có phần hiền lành, ông Medvedev là một nhà lãnh đạo rất cứng rắn và quyết liệt.
 
Với những thành tựu nói trên, ông Medvedev được rất nhiều người dân Nga tín nhiệm. Ông luôn là vị chính khách uy tín và được người dân Nga yêu mến thứ hai sau ông Putin.

(VnMedia)