Bùng phát sau khi Argentina quốc hữu hóa 51% cổ phần của tập đoàn Repsol (Tây Ban Nha) tại công ty dầu mỏ YPF hồi tháng Tư vừa qua, cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục có dấu hiệu leo thang.
Bùng phát sau khi Argentina quốc hữu hóa 51% cổ phần của tập đoàn Repsol (Tây Ban Nha) tại công ty dầu mỏ YPF hồi tháng Tư vừa qua, cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục có dấu hiệu leo thang.
Ngày 25/5, Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht cho biết liên minh này đã chính thức đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm chống lại việc Argentina áp đặt những hạn chế nhập khẩu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo với đại diện 19 đối tác thương mại toàn cầu ở Brussels (Bỉ), ông Gucht tuyên bố rằng những hạn chế nhập khẩu của Argentina đã vi phạm luật lệ mậu dịch quốc tế và cần phải được dỡ bỏ.
EU mời 19 đối tác này tham gia cuộc chiến "chống lại chế độ bảo hộ mậu dịch đang ngày càng tồi tệ." Theo ông Gucht, các đối tác thương mại của EU cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc Argentina áp đặt các quy định hạn chế nhập khẩu.
Quan chức này nhấn mạnh "đây không phải là tranh cãi giữa châu Âu với một trong những đối tác thương mại của mình. Châu Âu không đơn lẻ. Và không chỉ có châu Âu lên tiếng." Giới chức EU cho rằng đã đến lúc cần phải chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và kêu gọi các đối tác tham gia nỗ lực của liên minh này trong thời gian tới.
Đáp lại động thái của EU, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner đã bác bỏ những cáo buộc về bảo hộ mậu dịch và tái khẳng định rằng các mức thuế quan mà nước này đang áp đặt vẫn thấp hơn so với các quốc gia phát triển. Bà nói: "Đây rõ ràng là một kiểu bảo hộ về pháp lý của các nước phát triển."
Theo bà, một số nền kinh tế châu Âu áp thuế 159% đối với sản phẩm bơ, 126% đối với thịt, và trong khi các nhà sản xuất gạo Argentina phải đối mặt với mức thuế 450% ở thị trường Nhật Bản, thì ngay tại Argentina mức thuế này chỉ là 35%./.
(TTXVN)