Thách thức và khó khăn với sự trở lại của ông Putin

12:05, 08/05/2012

Tổng thống đắc cử Vladimir Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức với nhiệm kỳ sáu năm.

Tổng thống đắc cử Vladimir Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức với nhiệm kỳ sáu năm.

Từng được đánh giá là nhà lãnh đạo thành công trong hai nhiệm kỳ tổng thống trước đây, đa số người dân xứ sở Bạch dương đều hy vọng rằng trong lần trở lại Điện Kremlin này, ông Putin sẽ tiếp tục đưa nước Nga lên tầm cao phát triển mới.

Một nước Nga hôm nay với sự phát triển kinh tế khá ổn định và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế, cộng với sự ủng hộ của người dân đối với bản thân ông Putin và đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền chính là tiền đề tạo thuận lợi cho vị tân tổng thống trong nhiệm kỳ tới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh căng thẳng trong xã hội Nga có chiều hướng gia tăng và tình hình quốc tế diễn biến khó đoán định, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Putin “hứa hẹn” sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức.

Theo nhà nghiên cứu chính trị người Nga Pavel Svyachenkov, Tổng thống Putin nhậm chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên vai người dân Nga và nổ ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính quyền. Tất cả những yếu tố đó chứng tỏ ông Putin sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn và phức tạp khi quay lại Điện Kremlin.

Có lẽ khó khăn đầu tiên mà ông Putin phải đối mặt là nhanh chóng tiến hành cải cách chính trị và đổi mới đội ngũ lãnh đạo cấp cao để “hạ nhiệt” những “cái đầu nóng” đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính quyền vừa qua.

Trong chương trình tranh cử, ông Putin cam kết sẽ thực hiện các biện pháp cải cách chính trị theo hướng tạo ra những yếu tố kiềm chế và đối trọng trong các hệ thống chính quyền ngành dọc, tạo điều kiện cho công dân tự do bày tỏ chính kiến và xây dựng một xã hội dân chủ hơn.

Hiện giới quan sát có nhiều ý kiến khác nhau về mức độ và quy mô của các cuộc cải cách chính trị mà ông Putin sẽ tiến hành trong thời gian tới, song đều có chung nhận định rằng những cải cách đó nếu không được thực hiện nghiêm túc sẽ khó tránh khỏi nguy cơ thổi bùng mâu thuẫn trong xã hội Nga.

Bên cạnh cải cách chính trị, ông Putin còn đề ra chính sách phát triển kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu nhiên-nguyên liệu thô với mục tiêu đến năm 2020, Nga có thể lọt vào nhóm năm cường quốc kinh tế thế giới. Thực hiện mục được tiêu trên không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất mong manh. Trong khi đó, bản thân nền kinh tế và xã hội Nga chưa hội đủ những yếu tố cần thiết để có thể tạo ra bước “đại nhạy vọt” về kinh tế.

Nền kinh tế Nga chủ yếu dựa vào sự biến động giá dầu mỏ và nguyên liệu thô trên thị trường thế giới, nạn tham nhũng hoành hành cản trở các nhà đầu tư nước ngoài, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị đánh giá thấp trong sân chơi toàn cầu.

Theo dự báo của hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poors, năm 2012, tăng trưởng kinh tế Nga sẽ chững lại và chỉ đạt khoảng 3,5% so với 4,3% năm 2011. Rõ ràng, để tái cấu trúc nền kinh tế, chính phủ mới của Nga cần có nhiều thời gian và mất nhiều công sức.

Trong khi đó, những mâu thuẫn xã hội, sự phân hóa giàu nghèo hay chia rẽ sắc tộc cũng là những thách thức không nhỏ đối với vị tân tổng thống. Trên thực tế, những mâu thuẫn xã hội là điều khó tránh trong bối cảnh hiện nay, nhất là với một đất nước rộng lớn, nhiều dân tộc, nhiều thành phần như Nga.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, không thể không nói tới nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ những thiếu sót hay sai phạm của các cấp chính quyền. Điều đáng nói hơn cả là không ít thế lực đang tìm cách khoét sâu những mâu thuẫn trong lòng xã hội Nga, âm mưu kích động để biến những bất đồng còn tồn đọng thành ngòi nổ cho những sự kiện thường được phương Tây gọi là “cách mạng sắc màu." Do đó, giải quyết những mâu thuẫn xã hội còn tồn đọng chính là nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với ông Putin.

Vấn đề khó khăn nhất là tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Vì thế, để giải được bài toán nan giải này, ông Putin phải quan tâm trước hết tới tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân,…

Không chỉ chú trọng tới nhiệm vụ cải cách chính trị và hiện đại hóa nền kinh tế, ông Putin còn cam kết chi “mạnh tay” cho kế hoạch củng cố và hiện đại hóa quân đội nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và sự ổn định chiến lược trên thế giới. Dự kiến, trong thập kỷ tới, chính phủ Nga sẽ chi 772 tỷ USD để chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới trang bị cho lực lượng vũ trang nhằm đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân chiến lược hiệu quả của Nga cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội nước này.

Ngoài ra, vấn đề bảo đảm an ninh cũng được ưu tiên bởi cho tới nay, nước Nga vẫn chưa thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của chủ nghĩa khủng bố hay chủ nghĩa cực đoan. Vụ đánh bom kép xảy ra hôm 4/5 vừa qua tại thủ phủ Cộng hòa Daghestan thuộc Nga là minh chứng cho thấy đây vẫn sẽ là thách thức đối với ông Putin nói riêng và chính quyền Nga nói chung trong vài năm tới.

Về chính sách đối ngoại, giới phân tích đều có chung nhận định rằng trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Putin, về cơ bản sẽ không có sự điều chỉnh lớn về chính sách đối ngoại so với những năm cầm quyền của người tiền nhiệm Dmitry Medvedev. Mátxcơva sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương, độc lập, thực dụng trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, ủng hộ trật tự thế giới đa cực với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, đồng thời thể hiện là một trong những trung tâm của thế giới đa cực.

Chính quyền mới của Nga cũng sẽ tiếp tục chính sách tăng cường can dự vào các khu vực Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Quan hệ giữa Nga với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước BRICS tiếp tục được thúc đẩy và thuộc ưu tiên đối ngoại của Nga. Đặc biệt là sự phối hợp Nga-Trung trên các diễn đàn quốc tế sẽ ngày càng chặt chẽ trong bối cảnh quan điểm giữa Nga và phương Tây trên một số vấn đề quốc tế chính vẫn còn nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, rất có thể Tổng thống Putin sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế theo hướng ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) , tập trung hơn vào sự liên kết trong không gian Âu-Á, hoàn thiện cơ chế của Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất, tiến tới thành lập Liên minh Âu-Á.

Bên cạnh đó, thúc đẩy quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng được dự đoán sẽ là một trong những hướng điều chỉnh trong tổng thể chính sách châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Putin bởi ông cho rằng chính các nước châu Á sẽ giúp nước Nga đạt được mục tiêu thịnh vượng vững chắc.

Mặc dù luôn có lập trường cứng rắn với phương Tây, đặc biệt là kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu, song giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin sẽ có một chính sách thực dụng và mềm dẻo hơn trong quan hệ với các nước phương Tây để tận dụng công nghệ và vốn nhằm phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế.

Dù còn nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đón tân Tổng thống Putin tại điện Kremlin, song rõ ràng, những gì ông đã mang lại cho nước Nga trên cương vị tổng thống giai đoạn 2000-2008 và thủ tướng giai đoạn 2008-2012 chính là cơ sở để hy vọng của đa số người dân xứ sở Bạch dương về một nước Nga thịnh vượng và tươi đẹp hơn có thể trở thành hiện thực./.

(TTXVN)