Ngày 30/8, Liên hợp quốc cho biết hơn 2,5 triệu người ở Syria đang rất cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo với những nhu cầu cấp bách như nước sạch, hệ thống vệ sinh, thực phẩm, nơi ở, chăn màn và chăm sóc y tế.
Người dân Syria tại địa điểm xảy ra vụ đánh bom. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 30/8, Liên hợp quốc cho biết hơn 2,5 triệu người ở Syria đang rất cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo với những nhu cầu cấp bách như nước sạch, hệ thống vệ sinh, thực phẩm, nơi ở, chăn màn và chăm sóc y tế.
Thông điệp trên được Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình nhân đạo tại Syria, quốc gia Trung Đông chìm trong khủng hoảng chính trị và bạo lực kể từ tháng 3/2011.
Ông Eliasson cho biết con số 2,5 triệu người cần được nhanh chóng cứu trợ đã cao gấp đôi con số mà Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, bà Valerie Amos thông báo hồi tháng Ba vừa qua.
Theo đánh giá của ông Eliasson, giá thực phẩm ở một số khu vực tại Syria đã tăng gấp ba lần so với trước cuộc khủng hoảng. Vấn đề y tế đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nhiều nhà máy, kho dược phẩm bị phá hủy, trong lúc số người cần được chăm sóc y tế ngày một tăng. Một số lượng lớn người Syria đang rơi vào tình cảnh mất nhà cửa, phải tìm sự hỗ trợ từ gia đình hay bạn bè. Hơn 1,2 triệu người tìm chỗ sống tạm bợ ở các địa điểm công cộng như trường học hay nhà thờ, những nơi thiếu hệ thống vệ sinh và nước sinh hoạt.
Cuộc họp trên do Pháp, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng này, khởi xướng. Ngoài sự góp mặt của các đại diện cho 15 nước thành viên Liên hợp quốc còn có ngoại trưởng các nước láng giềng với Syria là Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon.
Ông Eliasson cho rằng điều cấp bách lúc này là tiếp cận nhân đạo với những người dân Syria đang rất cần được giúp đỡ, cũng như những nỗ lực cải thiện an ninh cho các nhân viên nhân đạo hoạt động ở quốc gia Trung Đông này. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ Syria cho phép nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) hơn nữa được hoạt động và các cơ quan Liên hợp quốc cũng cần mở rộng sự hiện diện tại đây.
Tại phiên họp trên, Thổ Nhỹ Kỳ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thiết lập các trại tị nạn trong những vùng an toàn ở Syria, cảnh báo rằng Ankara có thể sẽ không ứng phó được với dòng người tị nạn chạy khỏi xung đột từ Syria.
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng hơn 80.000 người Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước ông đang đối mặt với "khó khăn thực sự" trong việc xử lý 4.000 người vượt qua biên giới mỗi ngày và 10.000 người đang chờ ở biên giới.
Về đề xuất thiết lập vùng đệm ở Syria, ông Eliasson khẳng định những đề xuất thiết lập các khu vực an toàn như vậy là "vấn đề hệ trọng" và cần được nghiên cứu cẩn thận.
Trước thềm hội nghị trên, Anh và Pháp đã cảnh báo rằng có rất nhiều trở ngại, cả về quân sự lẫn ngoại giao, cản trở kế hoạch thiết lập các vùng đệm an toàn cho người tị nạn ở Syria, đồng thời khẳng định không loại bỏ những hành động trong tương lai để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, liên minh đối lập "Hội đồng Dân tộc Syria" (SNC) ra tuyên bố kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt vùng cấm bay và các hành lang nhân đạo để bảo vệ dân thường.
Phát biểu tại cuộc họp trên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông đã nhấn mạnh các nguyên tắc nhân đạo trung lập và không thiên vị cần được tuân thủ nghiêm ngặt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria.
Ông Lý Bảo Đông nêu rõ: "Nỗ lực nhằm làm dịu bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria phải dựa trên việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc nhân đạo trung lập và không thiên vị cũng như tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Đặc biệt phải tránh chính trị hóa các vấn đề nhân đạo và không bao giờ được quân sự hóa các nỗ lực cứu trợ nhân đạo."
Đại sứ Trung Quốc lưu ý Liên hợp quốc cần đặc biệt cảnh giác trước bất cứ hành vi can thiệp nào vào vấn đề nội bộ của Syria hay can thiệp quân sự với cái cớ là các vấn đề nhân đạo và Liên hợp quốc cần giữ vai trò đi đầu trong điều phối hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế cho Syria. Ông Lý Bảo Đông đồng thời khẳng định Trung Quốc quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo ở Syria và sẵn sàng cung cấp thêm hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân nước này.
Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Syria với điểm nóng là thủ đô Damascus. Ngày 30/8, ngoại ô Damascus rung chuyển bởi hai vụ nổ được cho là đánh bom bằng ô tô, làm ít nhất hai người thiệt mạng. Các vùng ngoại ô xung quanh thủ đô này vẫn chứng kiến giao tranh quyết liệt giữa quân chính phủ và quân chống đối. Còn ở tỉnh Tây Bắc Idlib, các nhóm hoạt động nói rằng sáng 30/8, quân chống đối đã bắn hạ được một máy bay chiến đấu của quân chính phủ.
Theo thống kê chưa được kiểm chứng của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh), ít nhất 80 người thiệt mạng trên khắp Syria trong ngày 30/8./.
(Theo TTXVN)