Báo chí Trung Quốc đã lắng giọng sau biểu tình chống Nhật

09:09, 18/09/2012

Một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc Đại lục có vẻ như đã giảm bớt giọng điệu chống Nhật Bản trong bối cảnh xảy ra một loạt vụ tấn công đầy bạo lực nhằm vào các lợi ích của Nhật Bản ở Đại lục.

Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc được điều động bảo vệ đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh (Nguồn: AFP)
Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc được điều động bảo vệ đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh (Nguồn: AFP)

Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong) số ra ngày 17/9, cuối tuần qua, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc Đại lục có vẻ như đã giảm bớt giọng điệu chống Nhật Bản trong bối cảnh xảy ra một loạt vụ tấn công đầy bạo lực nhằm vào các lợi ích của Nhật Bản ở Đại lục.

Báo điện tử "Thanh niên Bắc Kinh" ngày 15/9 nói rằng những vụ phá hoại các xe ô tô do Nhật Bản sản xuất xảy ra trên khắp Trung Quốc là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc. Báo này viết: “Cần phải vạch rõ một giới hạn ở đây. Sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước không nên gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và cũng không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật.”

Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 16/9 cũng đăng một bài bình luận, trong đó kêu gọi người dân Trung Quốc “thể hiện lòng yêu nước một cách sáng suốt”.

Netease, một cổng thông tin điện tử lớn ngày 16/9 cũng cảnh báo rằng “chủ nghĩa yêu nước” đang gia tăng mạnh mẽ đã bị lợi dụng làm bình phong cho những hành động phạm tội, như cướp bóc, đốt phá các cửa hàng ở Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và thành phố Thanh Đảo.

Trong khi đó, ấn bản điện tử của "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho biết những hành động phi pháp đã làm xấu hổ hệ thống luật pháp của Trung Quốc cũng như toàn xã hội nước này và có thể gây ra sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.

Báo này viết: “Việc thể hiện lòng yêu nước thông qua sự giận dữ sẽ bị cười nhạo bởi những người đang bị những hành động đó nhằm vào và sự thể hiện đó cũng sẽ khiến cho đồng bào của chúng ta gặp nguy hiểm.”

Mặc dù vậy, báo này cũng nói thêm rằng công chúng sẽ phản ánh biện pháp đúng đắn nhất trong việc bảo vệ chủ quyền quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Giọng điệu mềm mỏng nói trên của giới truyền thông Trung Quốc Đại lục là sự thay đổi quan trọng so với lập trường diều hâu mà một số phương tiện truyền thông nước này đã đưa ra thời gian qua, trong đó có việc kêu gọi chuẩn bị các hành động quân sự để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Dân Trung Quốc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh (Nguồn: AFP/TTXVN)
Dân Trung Quốc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, Giáo sư Triển Giang, Giảng viên báo chí thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng một số phương tiện truyền thông Trung Quốc thực chất chỉ giả nhân giả nghĩa trong những lời kêu gọi người dân Trung Quốc bình tĩnh và kiềm chế, bởi họ chịu trách nhiệm ở một mức độ nào đó cho việc khơi dậy tinh thần dân tộc ở nước này trong cuộc tranh chấp biển đảo với Nhật Bản.

Giáo sư Triển Giang cáo buộc các cơ quan và tổ chức truyền thông như "Thời báo Hoàn cầu" - một ấn bản của "Nhân dân Nhật báo" - đã âm mưu cùng với giới tướng lĩnh có trách nhiệm của quân đội Trung Quốc trong việc lôi kéo lòng yêu nước của người dân Trung Quốc để phục vụ những lợi ích riêng của họ. Giáo sư Triển Giang nhấn mạnh: “Họ đã cố gắng lùi một chút, nhưng họ làm điều đó chỉ vì họ nhận thấy rằng các chiến dịch của họ có thể phản tác dụng cả ở mặt trận trong nước lẫn quốc tế.”

Trong khi đó, Giáo sư Viên Vĩ Thời, một chuyên gia lịch sử thuộc Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, nhận xét rằng các cuộc biểu tình lan rộng bất thường tại quá nhiều thành phố của Trung Quốc trong vài ngày qua đã cho thấy sự liên quan mật thiết của Chính phủ Trung Quốc.

Giáo sư Viên Vĩ Thời nhận định: “Sẽ không thể có các cuộc biểu tình tự phát khắp Trung Quốc nếu như chính phủ không ngầm cho phép. Điều này đã khiến khả năng quản lý các mối quan hệ quốc tế cũng như kiểm soát những căng thẳng trong nước của ban lãnh đạo Trung Quốc bị thử thách".

Giáo sư Chúc Lập Gia thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh không được đánh giá thấp nguy cơ bùng nổ tinh thần chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước mù quáng bởi điều đó có thể gây hại cho chính phủ. Theo Giáo sư Chúc Lập Gia, nếu tình trạng này tiếp diễn, Trung Quốc sẽ yếu thế trong vấn đề giải quyết tranh chấp với Nhật Bản./.

(Vietnam+)