Lực lượng tuần duyên Nhật Bản ngày 23/9 cho biết lần đầu tiên trong vòng 1 tuần qua, tất cả tàu hải giám Trung Quốc đã rời vùng biển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), nơi bắt nguồn căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu phòng vệ bờ biển Nhật kèm nhau ngoài khơi đảo Uotsuri hôm 14/9 (Nguồn: Kyodo) |
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản ngày 23/9 cho biết lần đầu tiên trong vòng 1 tuần qua, tất cả tàu hải giám Trung Quốc đã rời vùng biển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), nơi bắt nguồn căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã phát hiện 10 tàu ngư chính trong khu vực khá gần Senkaku song chúng vẫn ở bên ngoài vùng biển tiếp giáp với lãnh hải Nhật Bản.
Từ ngày 18/9 đã có tổng số 20 tàu tuần tra Trung Quốc chạy ở vùng biển tiếp giáp hoặc thâm nhập lãnh hải Nhật Bản.
Các tàu Trung Quốc đã tập trung đông gần quần đảo Senkaku sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo chính thuộc quần đảo Senkaku đầu tháng này.
Việc chính phủ Nhật Bản mua các đảo này đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực ở nhiều thành phố của Trung Quốc và buộc các quan chức Trung Quốc lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.
Trong khi đó, mạng tin tức Trung Quốc ngày 23/9 đưa tin, ngày 18/8, Cục Khí tượng Trung Quốc đã thành lập hệ thống theo dõi sét kiểu mới ba chiều, gồm bốn trạm đặt ở bốn vị trí ven biển gần quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), gồm Châu Sơn, Ôn Lĩnh, Phúc Đỉnh, Bình Trạch thuộc các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang để nâng cao khả năng theo dõi và dự báo thời tiết ở vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư (Senkaku).
Ngày 21/9 các dữ liệu theo dõi của hệ thống trên đã được truyền trực tiếp về trung tâm hiển thị của hệ thống giám sát sét quốc gia thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, tiếp tục làm phong phú thêm các biện pháp theo dõi thời tiết và dịch vụ khí tượng bao quát cả vùng biển khu vực đảo Điếu Ngư (Senkaku).
(Vietnam+)