Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục nỗ lực để tổ chức thành công cuộc đối thoại dân tộc và cuộc chiến chống khủng bố nhằm mang lại an ninh và ổn định cho Syria cũng như toàn khu vực.
(Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngày 23/11, Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục nỗ lực để tổ chức thành công cuộc đối thoại dân tộc và cuộc chiến chống khủng bố nhằm mang lại an ninh và ổn định cho Syria cũng như toàn khu vực.
Phát biểu trên được người đứng đầu chính quyền Damascus đưa ra trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đang thực hiện chuyến thăm chính thức Syria. Ông Larigiani kêu gọi Syria tiến hành cải cách dân chủ vì đây là một tiến trình cần thiết.
Ông cáo buộc một số quốc gia đang tìm cách áp đặt dân chủ tại Syria thông qua việc cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang trong nước, cho rằng hành động đó sẽ càng đẩy người dân Syria vào thảm họa. Theo ông, tiến trình cải cách dân chủ tại Syria cần được kết thúc bằng một cuộc đối thoại chính trị.
Hãng SANA đưa tin tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh nguyện vọng củng cố quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.
Tuần trước, Iran vừa đăng cai một hội nghị quy tụ khoảng 200 nhân vật đối lập của Syria. Tại hội nghị, Tehran kêu gọi ngừng bắn, đồng thời phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nội bộ Syria. Iran được coi là đồng minh thân cận của Chính phủ Syria và luôn khẳng định quan điểm ủng hộ một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Syria.
Trong khi đó, ngày 23/11, chính phủ Syria đã lên tiếng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị NATO triển khai hệ thống tên lửa Patriot tại khu vực giáp giới Syria với lý do ngăn chặn nguy cơ xung đột tại quốc gia này lan sang các nước láng giềng. Damascus chỉ trích đề nghị của Ankara là "hành động khiêu khích" nhằm đánh lừa dư luận tại Thổ Nhĩ Kỳ về việc Syria đang gây ra một mối đe dọa thực sự đối với quốc gia này.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria lên án Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tăng cường lực lượng vũ trang tại khu vực biên giới, mở cửa lãnh thổ cho hoạt động huấn luyện và vũ trang cho hàng nghìn phần tử khủng bố người Syria và nước ngoài, đồng thời cho các đối tượng này xâm nhập vào Syria nhằm mục tiêu phá hoại cuộc sống của người dân tại quốc gia Trung Đông này. Damascus cho rằng Ancara phải chịu trách nhiệm về hành động quân sự hóa khu vực biên giới, gây tổn hại đến lợi ích của người dân ở cả hai nước.
Một số quốc gia khác cũng phản đối động thái trên của Ancara. Nga cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới với Syria, đồng thời nhấn mạnh việc quân sự hóa khu vực này là một dấu hiệu đáng quan ngại. Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmusen, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bày tỏ sự quan ngại và nhắc lại đề nghị lập đường dây nóng giữa Ancara và Damascus để tránh xảy ra các vụ rắc rối giữa hai nước. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO biện hộ rằng việc triển khai tên lửa đất đối không Patriot tại vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ/Syria hoàn toàn nhằm mục đích phòng vệ.
Chủ tịch Quốc hội Iran Larigiani cũng cho rằng việc tăng cường quân sự tại khu vực biên giới trên sẽ khiến thêm nhiều người dân Syria thiệt mạng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, với việc yêu cầu triển khai tên lửa để đối phó với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia láng giềng.
Trong khi các nỗ lực chính trị đang được thúc đẩy để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria, bạo lực vẫn nổ ra tại nhiều nơi ở nước này, gây thương vong lớn cho dân thường. Ngày 23/11, ít nhất 3 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết tại tỉnh Idlib. Truyền hình nhà nước Syria cáo buộc thủ phạm là một thành viên mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Hãng tin chính thức SANA còn cho biết hai nhóm khủng bố đã sát hại 4 dân thường ở thành phố Deir el-Zour và ghi hình lại hành động tội ác này.
Trong khi đó, phe đối lập cáo buộc quân chính phủ tấn công Qaboun, ngoại ô Damascus, làm 1 người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Các tay súng Syria cũng thừa nhận đã tấn công một trạm kiểm soát của lực lượng chính phủ ở đường Khaled Bin al-Walid của thủ đô, làm một số binh sĩ bị thương.
Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết cuộc khủng hoảng kéo dài 20 tháng qua tại Syria đã làm hơn 40.000 người thiệt mạng, trong đó có 28.026 dân thường và các tay súng nổi dậy, trong khi 1.379 đối tượng đào ngũ.
Theo người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hiện có 442.256 người tị nạn Syria đã đăng ký hoặc chờ đăng ký tại các nước láng giềng, tăng gấp đôi so với đầu tháng 9.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo ngày 23/11 của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết tổ chức này đang đẩy nhanh công việc mua gom hàng cứu trợ, chủ yếu là quần áo ấm và chăn màn gửi cho trẻ em Syria đang phải sống tị nạn cả ở trong và ngoài nước trong bối cảnh mùa Đông đã bắt đầu.
Hiện có rất nhiều trẻ em Syria bị mắc bệnh do thiếu ăn và cảm lạnh. UNICEF đã chuẩn bị những lô hàng viện trợ nhân đạo từ Đan Mạch, Pakistan, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và các lô hàng này đang trên đường tới Syria cũng như các nước lân cận như Lebanon, Jordan, Iraq - nơi có hàng trăm nghìn trẻ em tị nạn Syria.
(Theo TTXVN)