Mỗi dân tộc, tôn giáo trên thế giới đều có những cách đón năm mới khác nhau và vào nhiều thời điểm khác nhau tùy theo phong tục, tín ngưỡng của từng nơi. Mặc dù vậy, điểm chung là mọi người đều mong muốn những điều rủi ro sẽ ra đi cùng năm cũ, những niềm vui và may mắn sẽ đến cùng năm mới.
Mỗi dân tộc, tôn giáo trên thế giới đều có những cách đón năm mới khác nhau và vào nhiều thời điểm khác nhau tùy theo phong tục, tín ngưỡng của từng nơi. Mặc dù vậy, điểm chung là mọi người đều mong muốn những điều rủi ro sẽ ra đi cùng năm cũ, những niềm vui và may mắn sẽ đến cùng năm mới.
Người Ai Cập cổ đại bước sang năm mới vào mùa hè, khi sông Nile tràn bờ mang nước và phù sa màu mỡ đến với vùng đất này. Còn người Babylonia và người Ba Tư cổ đại thì bắt đầu năm mới vào ngày 21 tháng 3, ngày đầu tiên của mùa xuân. Trong khi đó, một số thổ dân da đỏ lại đón mừng năm mới khi những quả hạch trên cây sồi bắt đầu chín, tiết trời bắt đầu chuyển sang thu.
Nghi lễ đón Losar của người Tây Tạng
Người Tây Tạng gọi năm mới là Losar. Hai ngày cuối của năm cũ được gọi là Gutor và được dành để chuẩn bị cho năm mới. Ngày đầu tiên người Tây Tạng làm sạch nhà cửa, đặc biệt là bếp vì bếp được coi là trái tim của ngôi nhà và là phòng quan trọng nhất. Một món ăn truyền thống luôn có mặt trong bữa tiệc năm mới là món súp chín vị gồm thịt, bột mì, gạo, khoai lang, pho mát, đậu, ớt xanh, củ cải và mì ống.
Họ đến thăm các đền chùa để tặng quà cho các vị sư. Khắp nơi trên đất Tây Tạng, những tràng pháo được đốt và đuốc được thắp sáng để đuổi tà ma ra khỏi nhà. Vào ngày đầu năm mới, mọi người dậy sớm, tắm, và sau đó thờ cúng tại gia đình. Vật cúng tế có thể có hình dạng của động vật hay quỉ dữ làm bằng bột.
Lễ hội Songkran của người Thái
Lễ hội Songkran là dịp đón năm mới theo truyền thống của người Thái được tổ chức từ ngày 13-15/4 hàng năm. Vào dịp này, những người sống xa nhà đều cố gắng trở về quê ăn tết. Trong dịp diễn ra lễ hội Songkran, mọi người xuống đường té nước vào nhau để đẩy lùi những điều không may mắn trong năm cũ và cầu chúc những điều may mắn và hạnh phúc cho năm mới. Mọi người sử dụng bất kỳ vật dụng nào để có thể té nước vào nhau như thùng, xoong, chậu, ca, bát, súng nước… Người Thái tin rằng ai được té nước càng nhiều thì người đó càng may mắn.
Phong tục dựng tượng thần tại đất thánh Maya
Tại Maya, người ta thờ phụng rất nhiều vị thần, và mỗi năm một vị thần lại là tâm điểm của lễ đón mừng năm mới. Vào thời điểm này, các tượng thần được dựng lên, lối vào điện thờ và các vật thờ cúng được làm mới lại bằng sơn xanh, màu được người Maya coi là linh thiêng nhất. Khi công việc chuẩn bị được tiến hành xong, vị thần của năm sẽ bước vào cổng theo hướng liên quan đến vị thần đó. Những nghi lễ làm mới của gia đình cũng được tiến hành như đập vỡ tất cả đồ gốm cũ, vất bỏ các gia dụng bằng vải cũ, diện những bộ quần áo mới.
Tết ở Mông Cổ
Tết ở Mông Cổ (Sagaanxar) vào tháng Giêng Âm lịch và kéo dài 3 ngày. Phần lớn các món ăn Tết được chế biến từ sữa và trước lúc ăn, bát đĩa đều được rửa sạch bằng sữa ngựa. Lễ uống trà đón xuân được tổ chức trang trọng: lúc giao thừa, người ta pha trà, rót chén đầu tiên đem ra sân, vẩy khắp 4 phía Đông - Tây - Nam - Bắc, chén thứ hai dành cho chủ nhà, rồi mới đến những chén khác mời khách... Sau đó, mọi người vui vẻ thưởng thức thịt cừu nướng và những sản phẩm được chế biến từ sữa.
Năm mới của người theo đạo Hindu
Người Hindu đón năm mới với phong tục dùng bột mì vẽ các họa tiết trên mặt đất trước cửa nhà. Chính giữa các họa tiết đó, họ đặt một chiếc ấm đất có trang trí biểu tượng tôn giáo của người Hindu. Họ đổ đầy nước, thần sa, cắm một cây xoài có năm cành, treo các vòng hoa trên cành cây, thân cây và tiến hành nghi lễ. Các loại hoa thường bao gồm hoa Orleander đỏ, cúc trắng, hoa hồng, dâm bụt tím và hoa Merigold vàng. Mỗi một bông hoa đều có ý nghĩa tôn giáo riêng, ví dụ hoa màu hồng, đỏ, và tím là dành cho nữ thần, trong khi hoa trắng và vàng lại dành cho các vị thần Hindu.
Vào năm mới, người Hindu thường cảm tạ Lakshmi, nữ thần của cải và sự phồn vinh, và Ganesh, vị thần thông thái và may mắn. Tuy nhiên, một số nhóm người Hindu lại tôn thờ nữ thần Kali thay cho nữ thần Lakshmi và trong nghi lễ tôn vinh nữ thần, họ thường đốt pháo bông và ném tiền lẻ cho những người tham dự.
Lễ tưởng nhớ thánh Basil của vùng đất huyền thoại Hy Lạp
Hy Lạp đón năm mới với sự tưởng nhớ thánh Basil, một trong những cha đỡ đầu của Thánh đường Hy Lạp chính thống, người được nhớ tới vì lòng tốt và tính hào phóng đối với người nghèo. Và ngày mùng 1 tháng 1, ngày mất của ông, đã trở thành ngày lễ tặng quà và kể những câu chuyện huyền thoại đầy hấp dẫn về việc thánh Basil trở về vào ban đêm và tặng quà cho trẻ nhỏ trong những chiếc giày.
Rất nhiều món ăn đặc biệt được chuẩn bị, nhưng có một món không thể thiếu là bánh Vassilopitta hay bánh của thánh Basil. Bên trong chiếc bánh được đặt một đồng tiền vàng hay bạc. Khi ăn, các miếng bánh được chia theo một trật tự nghiêm ngặt: miếng đầu tiên dành cho thánh Basil, miếng thứ hai cho ngôi nhà thân yêu, miếng thứ ba cho người lớn tuổi nhất trong gia đình và phần còn lại sẽ dành cho những thành viên khác theo thứ tự tuổi tác. Người vắng mặt cũng được phần một miếng, và thậm chí cả vật nuôi cũng không bị lãng quên. Ai được miếng bánh có đồng tiền sẽ là người may mắn trong suốt năm.
Tết ở Israel
Tết ở Israel (và của những người Do Thái nói chung) gọi là "Hanukkah", bắt đầu từ tối ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái (thường trùng với tháng 12 Dương lịch) và kéo dài trong 8 ngày. Đêm giao thừa, cả gia đình thắp một ngọn nến trên chiếc đèn menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp thêm một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn nến sáng rực này ở cửa sổ để chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.
Lễ hội Thing Yan của người Myanmar
Tết ở Myanmar (lễ hội Thing Yan) kéo dài từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 4 Dương lịch, vào tháng Tagu (tức tháng Giêng theo lịch Myanmar). Đây là dịp lễ té nước và nó thực sự có ý nghĩa trong những ngày nóng nhất của xứ sở này. Mọi người ăn uống, vui chơi, múa hát rất tưng bừng và té nước chúc phúc cho nhau.
Lễ Hogmany của người Scotland
Tại Scotland, lễ đón năm mới được gọi là Hogmany (xuất phát từ một dạng bánh cây sồi dành cho trẻ em vào dịp năm mới). Người Scotland cho rằng sẽ không thể có năm mới khi năm cũ chưa qua, bởi năm cũ được cho là tai ương và cần phải xua đuổi đi. Họ có phong tục diễu hành quanh thành phố với hình nộm của Thần chết và sau đó đốt cháy, đổ xuống sông hoặc chôn xuống đất. Hình nộm này có thể được làm bằng rơm, cành khô hoặc giẻ rách và được gọi là Auld Wife.
Tại một số làng mạc, những thùng nhựa đường được thắp sáng và lăn dọc phố. Họ tin rằng bằng cách đó, năm cũ sẽ bị đốt cháy cùng với những rủi ro và năm mới sẽ được phép tiến vào với những may mắn. Người Scotland còn đốt bụi cây bách xù trong nhà để xua đi vi trùng và bệnh tật. Trong bàn tiệc đón năm mới, người Scotland thường có món Haggis (dạ dày cừu nhồi tim gan), bánh bơ giòn, bánh nướng, bánh sồi, pho mát, rượu whisky, rượu vang và bánh mì đen đặc biệt của năm mới.
HT (Theo VTCNews)