Trung Quốc xoay sở đương đầu với 3 cường quốc

09:02, 15/02/2013

Năm 2012 có lẽ là năm mà người dân thế giới rơi vào trạng thái nghẹt thở, thót tim nhiều nhất vì liên tiếp phải chứng kiến những cuộc đối đầu “tóe lửa” giữa các cường quốc hàng đầu thế giới.

Năm 2012 có lẽ là năm mà người dân thế giới rơi vào trạng thái nghẹt thở, thót tim nhiều nhất vì liên tiếp phải chứng kiến những cuộc đối đầu “tóe lửa” giữa các cường quốc hàng đầu thế giới.

Gần như hầu hết các cường quốc thế giới đều bị cuốn vào ít nhất một cuộc đối đầu. Riêng Trung Quốc - cường quốc số 1 Châu Á - phải một mình đương đầu với 3 cường quốc khác. Tất cả tạo nên một bức tranh thế giới đầy bất ổn với nguy cơ chiến tranh thảm khốc lúc nào cũng hiền hiện.

Trung-Nhật kéo nhau đến bờ vực một cuộc chiến trên biển
 
Một trong những cuộc đối đầu đáng lo ngại nhất giữa các cường quốc thế giới trong năm qua chính là cuộc tranh chấp “sặc mùi thuốc súng” giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á – Trung Quốc và Nhật Bản.
 
Tokyo và Bắc Kinh đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến mức nhiều người lo ngại về viễn cảnh bùng nổ một cuộc chiến tranh trên biển giữa hai nước này. Nguyên nhân xuất phát vì một cuộc tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Cuộc tranh chấp này là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, “mồi lửa” châm ngòi cho ngọn lửa căng thẳng bùng cháy dữ dội chính là sự kiện chính phủ Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân để thắt chặt quyền kiểm soát đối với quần đảo này.
 
Kể từ sau sự kiện trên, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền ra vào vùng tranh chấp, gây ra những cuộc vờn đuổi, gầm ghè nhau của tàu thuyền hai nước ở biển Hoa Đông. Song song với đó, cả Tokyo và Bắc Kinh liên tục tổ chức các cuộc tập trận, “khoe” vũ khí hiện đại để dọa dẫm, thị uy lẫn nhau.
 
Mới đây, trong những ngày đầu năm 2013, Trung Quốc đã có một bước leo thang mới khi lần đầu tiên đưa máy bay không người lái rồi tiếp đó là chiến đấu cơ hiện đại J-10 đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư để đối đầu với các chiến đấu cơ thiện chiến F-15 của Nhật Bản.
 
Đối diện với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt, Nhật Bản cũng thể hiện quyết tâm đối đầu đến cùng với nước láng giềng. Chính phủ Nhật Bản đã cấp tập chuẩn bị một loạt các biện pháp quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng cường triển khai thiết bị, vũ khí quân sự tối tân đến vùng tranh chấp, thành lập đội đặc nhiệm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư... Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh.
 
Mỹ - Trung Quốc đối đầu chan chát
 
Có lẽ, năm 2012 là năm người ta chứng kiến hai siêu cường hàng đầu thế giới Trung-Mỹ đối đầu nhau căng thẳng nhất và trên nhiều mặt trận nhất trong mấy thập kỷ trở lại đây. Những cuộc đối đầu liên tiếp trên Biển Đông, trong lĩnh vực quân sự, kinh tế, nhân quyền... đã khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh chao đảo.
 
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung “nóng” nhất là trên vùng Biển Đông. Mặc dù không trực tiếp có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này nhưng Mỹ vẫn can thiệp vào đây vì một số lý do.
 
Thứ nhất, Mỹ muốn ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Nếu để Biển Đông rơi vào tay Trung Quốc, Mỹ sẽ mất lợi thế ở khu vực Châu Á và sẽ phải chứng kiến một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn. Đây là viễn cảnh mà Mỹ không bao giờ chấp nhận.
 
Thứ hai, việc Trung Quốc can thiệp vào tình hình Biển Đông nằm trong chiến lược quay trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vừa được nước này công bố hồi cuối năm 2011.
 
Nếu như trước đây, trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ hầu như không lên tiếng hoặc nếu có lên tiếng cũng là thể hiện lập trường trung lập thì giờ đây, cường quốc số 1 thế giới đã sẵn sàng đối đầu trực diện với Trung Quốc bằng cách công khai tuyên bố bảo vệ Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông. Washington cũng tuyên bố, nước này có lợi ích then chốt trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
 
Ngoài vấn đề Biển Đông, năm qua cũng chứng kiến quan hệ Trung-Mỹ lung lay vì một luật sư mù. Đó là vụ luật sư mù Trần Quang Thành của Trung Quốc trốn vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh và được các quan chức Mỹ che chở. Đối với Washington, luật sư này là một nhà hoạt động nhưng đối với Bắc Kinh, ông ta lại là một phần tử chống đối chính quyền.
 
Chưa hết, Trung Quốc và Mỹ còn tiếp tục mâu thuẫn sâu sắc với nhau vì việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan. Hồi tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã nổi giận đùng đùng khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua kế hoạch bán 66 phi cơ chiếu đấu hiện đại F-16 cho Đài Loan nhằm giúp vùng lãnh thổ này thu hẹp khoảng cách quân sự với Trung Quốc. Sự việc này đã đẩy mối quan hệ Trung-Mỹ đã “nóng” lại càng thêm “nóng”.
 
Ấn Độ, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở Châu Á
 
Chưa lúc nào người ta lại chứng kiến Ấn Độ thách thức Trung Quốc nhiều như trong năm qua. Bắc Kinh đã phải giật mình thon thót trước một loạt động thái của Ấn Độ ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực Châu Á nói chung. Không chỉ công khai thể hiện sự sẵn sàng can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ còn bộc lộ mong muốn thiết lập “liên minh” với ASEAN để đối phó với Trung Quốc.
 
Khi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nóng lên từng ngày, Ấn Độ từng triển khai tàu chiến đến vùng biển này. Đây là dấu hiệu ngầm đầu tiên cho thấy Ấn Độ sẽ không để Trung Quốc mặc sức tung hoành ở khu vực Biển Đông chiến lược này. Sau đó, vào tháng 12 năm ngoái, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D.K. Joshi đã công khai tuyên bố sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải đồng thời sẵn sàng can thiệp vào Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của họ ở vùng biển này.
 
Nói là làm, cũng vào tháng 12/2012, giữa lúc căng thẳng Biển Đông leo thang, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN. Đây được xem là nỗ lực của New Delhi trong việc sử dụng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình đối với các nước ASEAN nhằm “chiếu tướng” những bước đi gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Sau nhiều thập kỷ duy trì một chính sách ngoại giao ít gây chú ý ở Thái Bình Dương, một Ấn Độ ngày càng tự tin bắt đầu bước ra ngoài và bắt đầu phô trương sức mạnh tăng lên từng ngày của mình thông qua một cuộc đối đầu trực diện với cường quốc số 1 Châu Á.
 
Mỹ-Nga trước ngưỡng cửa một cuộc Chiến tranh Lạnh mới
 
Ngoài cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, năm 2012 cũng là năm đầy sóng gió trong quan hệ Nga-Mỹ.
 
Sau một thời gian dài quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ấm lên nhờ nỗ lực tái cài đặt quan hệ song phương do Tổng thống Barack Obama khởi xướng khi mới lên cầm quyền năm 2009, Nga và Mỹ lại quay trở lại đối đầu với nhau vì một loạt mâu thuẫn cả cũ và mới. Việc Moscow hồi tháng 8 năm ngoái lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Washington có thể nói lên phần nào mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa hai nước này.
 
Quan hệ Nga-Mỹ vẫn tiếp tục căng thẳng vì những mâu thuẫn cũ đã tồn tại từ lâu như vấn đề lá chắn tên lửa hay vấn đề Syria. Tuy nhiên, do không được giải quyết, những mâu thuẫn đó cứ kéo dài dai dẳng và ngày càng khoét sâu vào mối quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh.
 
Suốt cả năm qua, Nga tiếp tục thể hiện sự khó chịu, bất an trước kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu. Đây chính là một trong những cái dằm khó chịu nhất chưa được gỡ bỏ trong mối quan hệ giữa Moscow và  Washington.
 
Ngoài mâu thuẫn về vấn đề lá chắn tên lửa, Nga và Mỹ còn “đụng” nhau tóe lửa về vấn đề Syria. Trong khi Mỹ đứng về phía phe nổi dậy Syria và muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì Nga lại đứng lên bênh vực cho chính phủ Syria.
 
Cùng với những mâu thuẫn cũ, Nga và Mỹ còn rơi vào một cuộc khủng hoảng mới vì nguyên nhân cũ – đó là vấn đề nhân quyền. Cuộc khủng hoảng này liên quan đến Dự luật Magnitsky được Mỹ thông qua nhằm trừng phạt các quan chức Nga bị cho là có dính líu đến cái chết của luật sư Magnitsky. Các quan chức này bị cấm không được xin visa vào Mỹ và bị phong tỏa tài sản ở Mỹ nếu có.

(Theo VnMedia)