22 học sinh chết vì thức ăn có thuốc trừ sâu

08:07, 19/07/2013

Amarkant Jha Amar, quản lý Bệnh viện Patna Medical College - nơi những người bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị, nói ông vẫn đang chờ kết quả phân tích hóa học thành phần thức ăn chính thức.

Một bé gái cầu nguyện trước khi dùng bữa trưa do chính phủ cung cấp tại một trường tiểu học ở New Delhi ngày 5-7-2013 - Ảnh: Reuters
Một bé gái cầu nguyện trước khi dùng bữa trưa do chính phủ cung cấp tại một trường tiểu học ở New Delhi ngày 5-7-2013 - Ảnh: Reuters

Amarkant Jha Amar, quản lý Bệnh viện Patna Medical College - nơi những người bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị, nói ông vẫn đang chờ kết quả phân tích hóa học thành phần thức ăn chính thức.

Theo AP, các học sinh từ 5 đến 12 tuổi này được phục vụ bữa ăn trưa ngày 16-7 ở làng Gandamal, cách thủ phủ Patna của bang Bihar 80km về phía bắc. Những đứa trẻ này có triệu chứng trúng độc sau khi ăn cơm với hạt đậu lăng, đậu nành và khoai tây. Kết quả là 22 trẻ chết và hàng chục trẻ khác phải nhập viện.

Amar cho biết 25 trẻ em và một đầu bếp của trường học đang được điều trị ở bệnh viện của ông và những người này ít khả năng chịu phản ứng phụ từ thức ăn nhiễm độc dù 4 trẻ đã được chuyển qua khu săn sóc đặc biệt.

P.K. Sahi, bộ trưởng giáo dục bang Bihar, ngày 17-7 cho biết kết quả điều tra ban đầu cho thấy thức ăn phục vụ trẻ chứa chất hữu cơ dùng để diệt sâu trên lúa gạo và lúa mì. Ông nói có thể gạo chưa được vo sạch trước khi nấu.

Tuy nhiên theo dân làng địa phương, vụ nhiễm độc có vẻ liên quan đến đậu nành và khoai tây. Họ cho biết những đứa trẻ ăn cơm và hạt đậu lăng nhưng không ăn khoai tây và đậu nành thì không có triệu chứng gì.

Bữa trưa miễn phí ở Ấn Độ là một trong những chương trình dinh dưỡng trường học lớn nhất trên thế giới. Quan chức địa phương có quyền quyết định thực đơn và thời gian ăn trưa tùy thuộc vào điều kiện và khẩu phần ăn từng vùng. Bữa trưa miễn phí đầu tiên được giới thiệu ở miền nam Ấn Độ vào năm 1960 nhằm khuyến khích các gia đình nghèo cho con đi học. Sau đó chương trình được áp dụng rộng khắp nước, phục vụ khoảng 120 triệu trẻ em trong nỗ lực giảm tình trạng suy dinh dưỡng mà gần một nửa trẻ em ở Ấn Độ đang mắc phải.

Nhiều người phàn nàn về chất lượng thức ăn cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, và vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người ở bang Bihar này là một cảnh báo.

(Theo Báo Tuổi trẻ)