Nhật Bản - ASEAN bắt tay giữ tự do thông thương

08:12, 15/12/2013

Các văn kiện do lãnh đạo Nhật Bản và 10 nước ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN đã thể hiện đầy đủ tham vọng, mục tiêu, mối quan tâm chung về tương lai của mối quan hệ này.

Các văn kiện do lãnh đạo Nhật Bản và 10 nước ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN đã thể hiện đầy đủ tham vọng, mục tiêu, mối quan tâm chung về tương lai của mối quan hệ này.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cùng Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe và phu nhân tại buổi tiệc tối mừng thành công của hội nghị - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cùng Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe và phu nhân tại buổi tiệc tối mừng thành công của hội nghị - Ảnh: Reuters
 
Tuyên bố chung ASEAN - Nhật Bản về hợp tác đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu cho thấy 11 nhà lãnh đạo đạt được sự đồng thuận về những mối đe dọa với hòa bình và ổn định chung. Đặc biệt, các bên đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác để “đảm bảo tự do bay trên vùng trời nước khác và an toàn hàng không dân dụng” theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
 
Điều này đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại tại buổi họp báo kết thúc hội nghị: “Chúng ta sẽ cùng nhau đạt thịnh vượng. Để làm được điều đó, ASEAN và Nhật Bản phải cùng nhau duy trì hòa bình. Không có các vùng biển tự do, không có các bầu trời tự do, nhân dân sẽ không thể được đi lại và trao đổi thương mại tích cực”.
 
Ông cũng cho biết về vấn đề hàng hải, đặc biệt là các vấn đề ở biển Đông, các nhà lãnh đạo nhất trí các nước liên quan không được đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng các biện pháp cưỡng ép và phải tuân thủ các luật lệ quốc tế.
 
Nền tảng cho sự đồng nhất về quan điểm này, theo Thủ tướng Abe, là tính chất không thể tách rời giữa Nhật Bản và ASEAN thông qua các con đường biển. Ông nói: “Từ biển Đông đến biển Hoa Đông, các đường biển trải dài từ bắc tới nam. Rất nhiều người đã đi lại dọc theo các con đường này từ thời xa xưa... Chính nhờ sự tất yếu lịch sử đó mà chúng ta trở thành đối tác thật sự của nhau”.
 
Tại hội nghị lần này, Nhật Bản tuyên bố sẽ dành 2.000 tỉ yen (gần 20 tỉ USD) vốn hỗ trợ ODA cho các nước ASEAN trong năm năm tới và 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF). Nhưng mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN không chỉ dừng ở cho - nhận ODA. Tuyên bố Tầm nhìn về quan hệ và tình hữu nghị ASEAN - Nhật Bản chứa đựng các mặt hợp tác toàn diện đầy sôi động. Được Thủ tướng Abe miêu tả là sẽ “dọn đường cho sự hợp tác trong tương lai của Nhật Bản và ASEAN”, tuyên bố bao trùm quan hệ Nhật Bản - ASEAN ở bốn khía cạnh: đối tác về hòa bình và ổn định, đối tác vì thịnh vượng, đối tác vì chất lượng cuộc sống và cuối cùng là đối tác từ trái tim đến trái tim để chỉ mối quan hệ giao lưu nhân dân.
 
Cùng ngày, Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 5 cũng đạt được kết quả tích cực.
 
Không đặt ra chương trình nghị sự gì mới, các nhà lãnh đạo tập trung rà soát những kết quả đã đạt được trong triển khai Chiến lược Tokyo 2012 và thảo luận về các nội dung hợp tác trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường kết nối khu vực, đặc biệt thông qua phát triển các hành lang kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của khu vực, phát triển chuỗi cung ứng khu vực tối ưu và thúc đẩy hợp tác công - tư. Hội nghị cũng nhất trí tăng cường hợp tác về y tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bệnh truyền nhiễm và ứng dụng công nghệ.
 
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan của sông Mekong, khẳng định ủng hộ Ủy hội sông Mekong quốc tế đẩy nhanh các nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, cũng như nghiên cứu của các nước có liên quan về tác động đến môi trường và dòng chính sông Mekong.
 

Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, hàng không

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ việc ASEAN cùng Nhật Bản ra tuyên bố chung về hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu và sớm triển khai cụ thể tuyên bố này.

Theo Thủ tướng, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của tất cả các quốc gia. “Chúng tôi mong muốn Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa vào mục tiêu chung này. Theo đó, chúng ta cần phải tăng cường hợp tác, thúc đẩy đối thoại và tham vấn, xây dựng lòng tin, bảo đảm tự do, an ninh và an toàn của hàng hải, hàng không ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Dịp này, ông cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC), đi đôi với việc đàm phán chính thức và thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mang tính tổng thể và ràng buộc, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

 

(Theo Báo Tuổi trẻ)