EP gây sức ép với EU về ngăn chặn hoạt động do thám

01:03, 13/03/2014

Trong một động thái được coi là nhằm gây sức ép với các nước Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của công dân, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/3 đã thông qua nghị quyết cảnh báo sẽ phong tỏa một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ nếu chính phủ các nước EU không có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn hoạt động do thám từ Washington. 

Một phiên họp của EP tại thành phố Strasbourg, phía đông của Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một phiên họp của EP tại thành phố Strasbourg, phía đông của Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong một động thái được coi là nhằm gây sức ép với các nước Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của công dân, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/3 đã thông qua nghị quyết cảnh báo sẽ phong tỏa một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ nếu chính phủ các nước EU không có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn hoạt động do thám từ Washington. 
 
Trước đó, các nghị sỹ EP đã chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng quá yếu ớt với các vụ do thám của Mỹ. 
 
Nghị quyết trên được đưa ra sau cuộc điều tra riêng rẽ của EP về những tiết lộ gây chấn động của cựu nhân viên kỹ thuật Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden liên quan hoạt động do thám của Washington nhằm vào các nước và công dân châu Âu. 
 
Các nghị sỹ châu Âu cảnh cáo sẽ không thông qua một thỏa thuận tự do thương mại quan trọng giữa Mỹ và EU, nếu các chính phủ EU không ngăn chặn được hoạt động do thám tương tự. 
 
Thỏa thuận này chính là Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hiện đang được EU và Mỹ đàm phán, với mục tiêu hình thành nên một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. 
 
Mặc dù nghị quyết trên của EP chỉ mang tính cảnh báo biểu tượng, song để TTIP giữa EU và Mỹ sau khi ký kết có hiệu lực, cần phải được sự phê chuẩn của cả EP lẫn Quốc hội Mỹ.
 
Ngoài ra, EP cũng thông qua nghị quyết ủng hộ áp dụng các quy định bảo mật mới, trong đó một lần nữa tạo thêm áp lực đối với các nước EU phải nhanh chóng hoàn tất quá trình điều chỉnh và đưa vào thực hiện một đạo luật chung về cơ sở dữ liệu của 28 nước EU, thay thế cho các quy định mang tính chắp vá hiện nay. 
 
Đầu năm 2012, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mức phạt là 2% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm của các công ty không tuân thủ những quy định bảo mật dữ liệu.
 
Trong khi đó, EP muốn tăng mức phạt lên 5%, đồng thời đề xuất ban hành những quy định nghiêm ngặt liên quan tới cách thức chia sẻ và truyền tải cơ sở dữ liệu cho các quốc gia ngoài EU./.
 
(Theo vietnam+)